Báo Phú Yên phỏng vấn tiến sĩ Ngô Vĩnh Viễn, Viện trưởng Viện Bảo vệ Thực vật (Bộ NN-PTNT) về mô hình quản lý rầy nâu bền vững tại Phú Yên.
* Hiện rầy nâu là mối lo ngại hàng đầu của nông dân. Ông có thể đánh giá mức độ gây hại của rầy nâu đối với các cánh đồng ở Việt Nam, nhất là ở khu vực miền Trung?
Tiến sĩ Ngô Vĩnh Viễn
Rầy nâu gây hại lúa ở nước ta cực kỳ nguy hiểm, không chỉ trực tiếp gây cháy rầy trên đồng ruộng mà còn truyền vi rút gây bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá. Tại đồng bằng sông Cửu Long, tỉ lệ rầy nâu mang bệnh hiện đã lên đến 40%. Như vậy, nguy cơ xảy ra bệnh vàng lùn, lùn xoắn trên đồng ruộng là rất lớn. Ở đồng bằng sông Hồng cũng vậy. Với khu vực duyên hải miền Trung, rầy nâu cũng là đối tượng nguy hiểm. Qua theo dõi và nghiên cứu, rầy nâu ở miền Trung thường gây ra hiện tượng cháy rầy, vì vậy chúng ta phải coi rầy nâu là đối tượng gây thiệt hại nặng trong sản xuất nông nghiệp. Cách phòng chống rầy nâu là phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật thì mới hiệu quả.
* Theo ông giải pháp phòng trừ nào sẽ hiệu quả?
- Viện Bảo vệ thực vật đã xây dựng một quy trình kỹ thuật với đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình quản lý rầy nâu bền vững”. Phương pháp thực hiện là, mỗi vụ chọn 5-10ha lúa làm mô hình và một số diện tích làm ruộng đối chứng. Mục tiêu đặt ra là để cùng với nông dân phòng chống rầy nâu một cách bền vững ngay từ đầu vụ. Từ gieo sạ né rầy đến các biện pháp như xử lý hạt giống, giảm giống gieo sạ, giảm số lần phun thuốc trừ rầy, đồng thời cử cán bộ kỹ thuật cùng với người nông dân điều tra theo dõi phát hiện sớm rầy trên đồng ruộng cũng như sử dụng các biện pháp phòng trừ. Giải pháp kỹ thuật đưa ra theo mô hình rất hiệu quả và mang lại lợi nhuận. Theo kết quả điều tra hiện nay tại các ruộng mô hình, lợi nhuận tăng bình quân 2,5-4 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, qua nghiên cứu mô hình quản lý rầy nâu đã triển khai, chúng tôi nhận thấy, sự tham gia trực tiếp của người nông dân là rất quan trọng, đảm bảo cho quy trình kỹ thuật được triển khai một cách đồng bộ trên đồng ruộng.
Nông dân tham gia mô hình được trang bị kỹ năng sớm phát hiện rầy nâu và trực tiếp nghiên cứu trên đồng ruộng, vì thế vấn đề hiểu biết của người nông dân về dịch hại, đặc biệt là rầy nâu đã được nâng cao qua việc thực hành. Chúng tôi cũng cho rằng hiểu biết của người nông dân thực hiện quy trình về mô hình phòng chống rầy mới là yếu tố quyết định mang lại hiệu quả và bền vững. Dù sắp đến việc thí điểm quản lý rầy nâu bền vững không còn được triển khai, lúc đó không còn cán bộ kỹ thuật tham gia trực tiếp trên đồng cùng với nông dân, nhưng khi cán bộ đi thì quy trình ở lại, nghĩa là nông dân nắm vững quy trình kỹ thuật áp dụng và nhân rộng mô hình.
Mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng đã chỉ đạo ngành NN-PTNT quan tâm đến việc đào tạo nghề cho nông dân trên đồng ruộng chứ không phải đào tạo trên lớp học.
Nông dân tham gia mô hình “Quản lý rầy nâu bền vững” tại xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa - Ảnh: H.NAM
* Với đặc điểm thời tiết ở Phú Yên, làm thế nào để nhân rộng hiệu quả mô hình này, thưa ông?
- Mô hình nghiên cứu quản lý rầy nâu ở Phú Yên được xây dựng trên nền tảng bốn nhà cùng tham gia gồm: cơ quan nghiên cứu, cơ quan bảo vệ thực vật chỉ đạo trên đồng ruộng, doanh nghiệp và nông dân. Một khi bốn nhà này sát cánh cùng nhau thì các điều kiện, giải pháp kỹ thuật sẽ được tiến hành một cách đồng bộ. Chẳng hạn, phòng trừ sâu bệnh thì vai trò nông dân rất lớn trong việc phát hiện sớm để phòng trừ kịp thời không để dịch bệnh bùng phát. Cán bộ kỹ thuật cung ứng thuốc và biện pháp kỹ thuật phòng trừ trên đồng ruộng là vấn đề quan trọng đảm bảo thắng lợi cho vụ mùa.
Tại đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi cũng đã triển khai mô hình trên diện rộng. Các địa phương đã hoàn thiện quy trình quản lý rầy nâu bền vững và ứng dụng các kết quả của quy trình để xây dựng các mô hình. Đây là chủ trương của Bộ NN-PTNT nhằm nâng cao năng suất và sản phẩm lúa.
* Xin cảm ơn ông!
MẠNH HOÀI NAM (thực hiện)