Vì nguồn cung không đủ cầu, khiến cho tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Cái, đoạn qua huyện Tuy An vẫn diễn ra. Tình trạng trên có nguyên nhân từ những bất cập trong quản lý lĩnh vực này.
Ghe sõng bơm cát lên bãi tập kết của DNTN Hoàng Dương -Ảnh: L.HẢO |
SIẾT CHẶT QUẢN LÝ
Tháng 7/2011, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Tuy An phối hợp với UBND các xã An Định, An Dân kiểm tra việc khai thác cát của Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Dương. Kết quả đã phát hiện doanh nghiệp này bơm hút cát ngoài khu vực được cấp phép, tạo ra những hố nham nhở, ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan xung quanh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn khai thác sâu hơn 1,1m so với độ sâu quy định. UBND huyện đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với doanh nghiệp này 6,5 triệu đồng.
Trước đây, tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Cái, đoạn đi qua các xã An Dân, An Thạch và thị trấn Chí Thạnh của huyện Tuy An diễn ra rầm rộ, đe dọa đến môi trường và đời sống của người dân trong khu vực. Theo ông Trần Quốc Dân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã An Dân, mặc dù chính quyền địa phương đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra đối với hoạt động khai thác cát xây dựng, xử lý nghiêm bằng cách lắp đặt chốt chắn, thu xuồng, thu máy… nhưng vẫn không cải thiện được tình hình. Việc khai thác cát trái phép chỉ tạm lắng khi có đợt kiểm tra, truy quét, nhưng sau đó tình trạng này lại tái diễn trên phạm vi rộng hơn. Ông Dân cho biết: “Chính những vướng mắc trong quy trình xin giấy phép khai thác đã “tạo điều kiện” cho tình trạng khai thác cát trái phép trở nên phổ biến, không chỉ gây thất thoát nguồn thu ngân sách địa phương, mà còn tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái”.
Cuối năm 2010, UBND tỉnh đã xem xét kiến nghị của huyện Tuy An và quyết định cấp phép khai thác khoáng sản tại mỏ cát sông Cái cho Hợp tác xã nông nghiệp An Ninh Tây. Với giấy phép này, hợp tác xã này được khai thác cát trong sáu tháng ở khu vực rộng 1ha tại đoạn sông Bình Bá, công suất 830m3/tháng. Tháng 2/2011, Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Dương được cấp giấy phép khai thác cát trên diện tích 1,8ha tại đoạn sông Ngân Sơn, thuộc thôn Long Hòa (xã An Định) với công suất 400m3/tháng, thời gian khai thác 8 tháng. Sau khi được cấp phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng, các đơn vị này huy động những người khai thác cát trái phép trước kia về làm công cho mình; đồng thời tận dụng các thiết bị sẵn có như xuồng, máy hút, xe tải… để tiến hành khai thác cát. Hàng ngày, các xuồng thường chạy dọc theo đoạn sông được cấp phép để hút cát, đưa về nơi tập kết. Sau đó, xe tải bắt đầu “ăn” cát, rồi chuyển đi khắp các công trình trong huyện.
Ông Nguyễn Xuân Khiêm, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Tuy An khẳng định: “So với trước kia, việc khai thác cát trên sông Cái, nhất là đoạn gần cầu Ngân Sơn đã ổn định hơn rất nhiều. Chỉ còn khoảng bốn hộ dân ở thôn Ngân Sơn, thị trấn Chí Thạnh vẫn lén lút khai thác 3-5g thì nghỉ, nên rất khó kiểm tra, xử phạt. Chúng tôi đang vận động những hộ này chuyển đổi nghề nghiệp”.
CÒN BẤT CẬP
Hiện giấy phép khai thác khoáng sản của Hợp tác xã nông nghiệp An Ninh Tây đã hết hạn. Đơn vị này cũng đã dừng việc khai thác và chưa gia hạn thêm. Việc hợp tác xã này dừng khai thác cát cũng đồng nghĩa với việc Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Dương độc quyền cung cấp cát xây dựng trên địa bàn huyện Tuy An. Thực tế này đã nảy sinh nhiều bất cập, do nguồn cung không đủ cầu. Hiện nhu cầu sử dụng cát của các hộ gia đình trên địa bàn huyện Tuy An là rất lớn, trong khi đó lượng cát mà các đơn vị được phép khai thác để cung cấp cho thị trường chỉ đáp ứng một phần ba hoặc một nửa. Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp được cấp phép khai thác sẽ “xé rào” hoặc các hộ dân lén lút khai thác bán cho người dân cũng như công trình xây dựng của Nhà nước.
Ông Đoàn Đình Dương, chủ Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Dương cho biết: “Năm nay, do Chính phủ ra nghị quyết tiết kiệm chi tiêu công nên các công trình xây dựng cơ bản hầu như ngưng hẳn. Doanh nghiệp chủ yếu khai thác cát và cung cấp cho người dân trên địa bàn huyện. Dù vật giá tăng cao, nhưng nhu cầu xây nhà ở của người dân vẫn tăng. Hiện mỗi ngày doanh nghiệp khai thác 100-120m3”.
Với mức khai thác cát như chủ Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Dương cho biết, so với định mức cho phép 400m3/tháng thì doanh nghiệp này đã khai thác vượt quá khối lượng quy định. Thế nhưng, việc kiểm tra, xử phạt những trường hợp khai thác vượt số lượng như vậy còn gặp nhiều khó khăn. Theo Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Tuy An Phạm Xuân Khiêm, nhân lực không đủ, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra còn thiếu khiến địa phương rất lúng túng trong việc quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản.
Bà Phạm Thị Thùy Lê, Phó chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết: Hiện nhu cầu khai thác cát làm vật liệu xây dựng, phục vụ nhu cầu dân sinh ở mức cao. Các địa điểm khai thác nhỏ lẻ sẽ không đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Bên cạnh việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, huyện sẽ kiến nghị UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác cho một đơn vị nữa để đảm bảo sản lượng và tăng tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng nên xem xét tình hình thực tế nhằm rút ngắn thời gian phê duyệt thủ tục để doanh nghiệp sớm đi vào hoạt động ổn định để vừa bảo vệ tài nguyên môi trường, vừa hạn chế thất thu ngân sách Nhà nước.
LÊ HẢO