Mười hai năm gắn bó với con tôm hùm giống, bằng ý chí, sức trẻ và nghị lực vượt khó, Nguyễn Châu (SN 1977) ở phường Xuân Yên đã thoát nghèo, trở thành tỉ phú trẻ ở TX Sông Cầu.
Anh Nguyễn Châu đan lồng nuôi tôm hùm giống - Ảnh: N.CHƯƠNG
Sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nghề biển, cuộc sống khó khăn nên con đường học vấn của Nguyễn Châu không bằng các bạn trang lứa. 14 tuổi Châu phải rời ghế nhà trường và kiếm sống bằng nghề lặn bắt tôm hùm, đến năm 17 tuổi anh là một thợ lặn tôm “chuyên nghiệp”. Gần như không sót một vùng biển nào, từ Long Thủy (xã An Phú, TP Tuy Hòa) đến TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) mà anh chưa lặn. Lập gia đình năm 27 tuổi, tích cóp được ít vốn, hai vợ chồng Châu bàn nhau chuyển sang ủ tôm hùm giống cung cấp cho thị trường. Anh Châu nhớ lại: “Hồi đó vét hết vốn liếng dành dụm được, vay mượn thêm bà con, hai vợ chồng sắm được vài cái lồng và thả nuôi 500 con tôm hùm giống. Sau một tháng rưỡi tỉ mẩn chăm sóc, số tôm bé tí bằng cây tăm nhang đã lớn bằng điếu thuốc lá. Xuất bán lứa đầu tiên vợ chồng tôi lãi gần 30 triệu đồng. Đem số tiền lãi thu được tiếp tục đầu tư vào lứa nuôi sau, cứ thế số lượng tôm thả nuôi ngày một nhiều lên, số lồng nuôi cũng theo đó tăng lên đáng kể. Thời điểm này, nghề nuôi tôm hùm thịt khá phát triển, đồng thời con tôm giống mình ủ cung cấp cho thị trường có chất lượng, ít dịch bệnh nên các hộ nuôi tôm hùm thịt rất ưa chuộng. Có lúc tôi phải lặn lội từ Bình Định đến Khánh Hòa để thu mua tôm giống về ủ, vì nhu cầu tăng cao”.
Có nhiều lần vì hút giống, vợ chồng anh Châu lặn lội ra tận vùng Đà Nẵng hoặc Huế mua tôm giống về nuôi. Vận chuyển đường xa và một phần do thay đổi nguồn nước mặn đột ngột nên con giống bị sốc nước chết nhiều, thua lỗ. Không nản chí, mỗi lần vấp ngã là một lần học hỏi được kinh nghiệm, anh vẫn tiếp tục bám nghề và nhiều vụ mùa liên tiếp anh trúng đậm. Không giấu giếm, anh Nguyễn Châu chia sẻ kinh nghiệm nuôi: Tôm hùm khi còn nhỏ, sức đề kháng yếu nên rất nhạy cảm với môi trường. Vì vậy, lồng nuôi tôm giống chỉ thả ở độ sâu cách mặt nước khoảng 1,5m, cho ăn phải vừa đủ không nên quá ít, thiếu thức ăn tôm chậm lớn; cũng không nên thừa nhiều sẽ làm bẩn lồng nuôi, ô nhiễm môi trường, tôm dễ bị bệnh… Ngoài ra, vào mùa mưa lụt phải thường xuyên theo dõi nguồn nước. Khi thấy nước ngọt về nhiều cần hạ lồng xuống sâu. Vào mùa này, con tôm hùm giống thường bị bệnh quắn râu. Theo dõi thấy tôm bị triệu chứng này cần kịp thời ngắt bỏ râu đi để tôm mọc râu khác thì mới hạn chế hao hụt. Anh Châu cho biết, có được kinh nghiệm này cũng nhờ thời gian làm nghề lặn bắt tôm hùm giống, thường xuyên tiếp xúc với chúng, nắm được một số đặc tính, cách chăm sóc và chữa trị các loại bệnh thông thường.
Ngoài công việc chính là nuôi ủ tôm hùm giống, khi hết mùa tôm hùm, anh Châu chuyển sang thu mua muối để bán cho các cơ sở sản xuất nước mắm trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Riêng công việc này mỗi năm anh thu lợi gần 100 triệu đồng. Vào chính vụ muối, tại cơ sở của anh mỗi ngày có gần 30 khách hàng đến thu mua và vận chuyển đi tiêu thụ các nơi.
Hiện vợ chồng anh Châu có 35 lồng nuôi tôm hùm, mỗi lồng thả nuôi 600 con. Vào mùa, mỗi lứa tôm, anh Châu thả nuôi khoảng 9.000 con giống, sau 45 ngày, xuất bán cho các người nuôi tôm hùm thịt ở Khánh Hòa và Ninh Thuận. Hàng năm, sau khi trừ mọi chi phí vợ chồng anh Châu lãi khoảng 600 triệu đồng. Bây giờ anh không chỉ thoát nghèo mà trở thành tỉ phú trẻ ở làng biển này.
Anh Nguyễn Ngọc Hòa, Bí thư Đoàn phường Xuân Yên nhận xét: “Cùng với làm kinh tế giỏi, anh Châu còn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và đóng góp kinh phí mỗi khi Đoàn phường tổ chức các hoạt động. Đây là tấm gương trẻ tiêu biểu đáng được các đoàn viên thanh niên ở phường học tập làm theo”.
NGUYỄN CHƯƠNG