Phú Yên có tiềm năng lớn trong nuôi thủy sản nước ngọt tại các sông, hồ. Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển loại thủy sản này lại chưa được quan tâm đúng mức.
Nuôi cá nước ngọt ở huyện miền núi Sông Hinh - Ảnh: A.NGỌC |
TIỀM NĂNG CHƯA ĐƯỢC KHAI THÁC
Phú Yên có hệ thống sông, suối với chiều dài 2.600km, diện tích mặt nước khoảng 10.000ha. Địa hình dốc, lượng mưa ở mùa khô ít (khoảng 25%), nên đa số sông, suối nhỏ nước bị cạn kiệt. Mùa mưa, lũ lụt mạnh, gây khó khăn trong việc nuôi cá trên sông suối. Mặt nước đầm, hồ tự nhiên và nhân tạo tập trung nhiều ở vùng trung du và miền núi. Có 41 hồ nhỏ, diện tích mặt nước vào mùa khô là 580ha, mùa mưa là 1.452ha, trong đó có 30 hồ có diện tích dưới 10ha, độ sâu 2-5m, 11 hồ có diện tích 10-100ha, độ sâu 6-12m. Ngoài ra, một số hồ trên 100ha, như hồ Phú Xuân (huyện Đồng Xuân) rộng 117ha, hồ Đồng Khôn (huyện Đông Hòa) rộng 160ha và Biển Hồ (huyện Đông Hòa) rộng 200ha, hồ thủy điện Sông Hinh (huyện Sông Hinh) rộng 3.300ha. Ao nhỏ gia đình nằm rải rác khắp các khu vực dân cư trong tỉnh, diện tích không lớn, chủ yếu là nuôi thủy sản tạo nguồn thực phẩm cải thiện bữa ăn hàng ngày trong gia đình. Phú Yên còn có hàng nghìn hécta ruộng sản xuất nông nghiệp có thể nuôi kết hợp một số đối tượng thủy sản nước ngọt để tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác.
Tiềm năng phát triển thủy sản nước ngọt của tỉnh rất lớn, nhưng thời gian qua, việc đầu tư phát triển các đối tượng nuôi này còn hạn chế. Năm 1997, toàn tỉnh chỉ có 70ha nuôi cá nước ngọt, với các đối tượng thủy sản truyền thống như trắm, trê, mè, chép, rô phi. Năm 2004, toàn tỉnh có 197ha nuôi cá nước ngọt, chủ yếu vẫn là ao nhỏ, rải rác tại các khu dân cư. Đến năm 2011, diện tích ao hồ nuôi thủy sản nước ngọt của tỉnh cũng chỉ 300ha. Thực trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc Nhà nước chưa có chính sách khuyến khích phát triển thủy sản nước ngọt, việc sản xuất và cung ứng giống chưa được chú trọng, thị trường tiêu thụ sản phẩm hạn hẹp.
CẦN CÓ CHÍNH SÁCHKHUYẾN KHÍCH
Nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng mặt nước tại các sông, suối, ao hồ, cũng như nguồn lao động sẵn có tại các địa phương, hàng năm ngành Nông nghiệp tỉnh đã tổ chức tập huấn về kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh các đối tượng thủy sản nước ngọt cho người dân. Nhiều đối tượng thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế cao đã được nuôi thử nghiệm, bước đầu thích nghi và phát triển tốt trong điều kiện tự nhiên ở Phú Yên, như cá bống tượng, tai tượng, trê lai, điêu hồng, chim trắng, chình, rô phi dòng gift, với nhiều hình thức nuôi trong ao đất, bể xi măng, lồng bè, phù hợp với điều kiện kinh tế của mỗi người dân.
Tại các huyện Đông Hòa, Phú Hòa, Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân, người dân được ngành Nông nghiệp tổ chức đi tham quan một số mô hình nuôi thủy sản nước ngọt có hiệu quả ở các tỉnh để học hỏi kinh nghiệm và tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, đồng thời kêu gọi các đối tác đầu tư nuôi thủy sản nước ngọt vào tỉnh. Hiện tại, một số hồ chứa thủy lợi và hồ thủy điện được đầu tư nuôi cá trê lai, cá bống tượng, cá lóc, cá lăng vàng… cho kết quả khả quan.
Để phong trào nuôi thủy sản nước ngọt ở Phú Yên phát triển, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, cần thực hiện nhiều giải pháp, như: đánh giá cụ thể về tiềm năng, thực trạng nuôi thủy sản nước ngọt tại các địa phương trong tỉnh. Trên cơ sở đó, xác định đối tượng thủy sản nước ngọt nào là thế mạnh để có quy hoạch cụ thể và chính sách khuyến khích đầu tư hợp lý, thỏa đáng cũng như đề ra giải pháp phát triển phù hợp. Chẳng hạn như, đối với loại mặt nước sông, suối, cần lựa chọn đối tượng thủy sản có thời gian nuôi ngắn, tăng trưởng nhanh, tránh thiệt hại vào mùa lũ lụt. Những đầm, hồ tự nhiên và nhân tạo có diện tích lớn, có thể nuôi bằng lồng, bè. Đối với các ao có diện tích nhỏ, chủ động được nguồn nước, có thể đầu tư nuôi các đặc sản để tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao và hiệu quả đầu tư lớn. Những chân ruộng sản xuất nông nghiệp có năng suất thấp, có thể chuyển đổi sang nuôi thủy sản nước ngọt để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ và khuyến khích đầu tư sản xuất giống thủy sản nước ngọt ngay tại địa phương nhằm tạo sự chủ động cho việc nuôi thủy sản thương phẩm trong nhân dân. Khuyến khích đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản nước ngọt. Ngành Nông nghiệp cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật và thị trường liên quan về thủy sản nước ngọt cho người dân biết, đồng thời nhân rộng các điển hình nuôi thủy sản nước ngọt có hiệu quả kinh tế cao để mọi người dân nắm bắt và áp dụng.
NGUYỄN KHẮC TÂN