Môi trường của nhiều vùng nuôi thủy sản trong tỉnh vẫn chưa ổn định, khiến tôm, cá mú, ốc hương bị bệnh, gây thiệt hại lớn đối với người nuôi.
Môi trường vùng nuôi tôm hạ lưu sông Bàn Thạch (Đông Hòa) vẫn chưa ổn định - Ảnh: N.NHƯ
Bà Lê Thị Nở, Giám đốc Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản Phú Yên cho biết, hiện nay nhiều vùng nuôi thủy sản trong tỉnh, nguồn nước đạt yêu cầu tiêu chuẩn trong nuôi trồng thủy sản. Tại TX Sông Cầu, các chỉ tiêu xét nghiệm tại những điểm quan trắc nằm trong ngưỡng cho phép, như độ mặn ổn định 35‰, các chỉ tiêu khí độc trong nước như NH3, NO2, H2S… ở mức thấp; hàm lượng DO, COD ổn định và trong khoản cho phép, hàm lượng vi khuẩn hiếu khí ở mức thấp. Tại vùng nuôi huyện Đông Hòa, độ mặn dao động 12 - 20%0, độ kiềm và pH ổn định, hàm lượng khí độc trong nước (NH3, NO2) tuy có giảm nhưng vẫn tiếp tục xuất hiện ở tất cả các điểm thu mẫu trong vùng nuôi tôm.
Tuy nhiên, vẫn còn một số vùng nuôi thủy sản, môi trường chưa ổn định. Tại TX Sông Cầu, nước ở khu vực Thạch Khê, xã Xuân Lộc có hàm lượng DO thấp hơn ngưỡng cho phép; tầng nước đáy vùng nuôi tôm hùm Phú Dương, xã Xuân Thịnh và tầng nước mặt vùng nuôi tôm thẻ chân trắng Hòa Phú, xã Xuân Hòa đã phát hiện mật độ vi khuẩn vibrio ssp cao
hơn ngưỡng cho phép. Tại huyện Tuy An, một số vùng nuôi có hàm lượng PO4 cao hơn ngưỡng cho phép, dao động 0,1-0,35mg/l (ngưỡng cho phép <0,1mg/l). Tại khu vực Vũng Diều, xã An Cư, mật độ vi khuẩn vibrio ssp cao hơn ngưỡng cho phép khoảng 33%.
Đối với vùng nuôi thủy sản của huyện Đông Hòa, chất lượng nước tại vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch tiếp tục có chiều hướng xấu. Tại vùng nuôi thuộc các xã Hòa Tâm, Hòa Hiệp Nam đang ô nhiễm dinh dưỡng, hàm lượng PO4 cao hơn ngưỡng cho phép 1,5 - 2 lần. Hàm lượng sắt dao động ở mức 0,1 - 0,4mg/l (ngưỡng cho phép <0,1mg/l), vượt ngưỡng ở tất cả các điểm thu mẫu trong vùng. Mật độ vi khuẩn vibrio ssp cao hơn ngưỡng cho phép 1,4 - 2,5 lần. Tuy người nuôi đã chuyển sang lấy nước giếng ngầm để cung cấp cho ao nuôi nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan, nhưng chất lượng nước ngầm ở khu vực cũng đã ô nhiễm (hàm lương amoniac cao, H2S cao, Fe cao, pH thấp). Do đó việc cấp nước trực tiếp vào ao nuôi vẫn không an toàn.
Ngoài ra, nhiệt độ cao trong thời gian qua, kết hợp với mưa dông khiến môi trường nước tại nhiều vùng nuôi thủy sản trong tỉnh không ổn định, gây hiện tượng tảo tàn trong ao, làm biên độ dao động của các thông số môi trường lớn, khiến tôm nuôi bị stress, bơi nhiều, hoạt động bắt mồi kém… Hiện, bệnh trên tôm hùm đang xảy ra rải rác tại các vùng nuôi, với các biểu hiện như trắng sữa, long đầu, đen mang… Dịch bệnh trên tôm thẻ chân trắng cũng đang xảy ra tại các vùng nuôi của huyện Đông Hòa và Tuy An. Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, từ đầu năm đến nay, ngư dân trong tỉnh đã thả nuôi các đối tượng thủy sản trên diện tích 2.730ha, trong đó phần lớn là tôm thẻ chân trắng (2.001ha). Trong số này có trên 420ha tôm bị bệnh, gây thiệt hại cho người nuôi. Nguyên nhân là do thời tiết diễn biến phức tạp, môi trường vùng nuôi biến động lớn, gây ra bệnh đốm trắng, đỏ thân…
Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản Phú Yên khuyến cáo người nuôi phải thường xuyên kiểm tra các thông số môi trường như độ kiềm, pH, NH3, H2S, PO4… để có biện pháp xử lý kịp thời. Đối với diện tích nuôi tôm nội đồng đã bị bệnh trong vụ nuôi trước, trước khi thả nuôi lại cần lựa chọn con giống tốt đã qua kiểm dịch, đồng thời tuân thủ nghiêm các quy trình cải tạo ao nuôi nhằm hạn chế dịch bệnh. Đối với vùng nuôi tôm hùm, cần phải vệ sinh lồng, bè thường xuyên, cho tôm ăn thức ăn tươi, sạch, không để dư thừa. Việc sử dụng các loại thuốc phải theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật và nhà sản xuất, thường xuyên treo túi vôi xung quanh lồng để khử trùng nguồn nước và hạn chế dịch bệnh.
NGỌC NHƯ