Thời gian gần đây, hoạt động công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) huyện Tây Hòa có bước phát triển đáng kể. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế của địa phương không những chuyển dịch theo hướng tích cực, mà qua đó còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động với mức thu nhập ổn định.
May công nghiệp tại huyện Tây Hòa đang thu hút nhiều lao động - Ảnh: A.BANG
Mặc dù, gần hoạt động sản xuất gặp nhiều khó khăn do các nguyên liệu, xăng, dầu tăng giá, nhưng nhờ nỗ lực của các cơ sở sản xuất nên tình hình sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện Tây Hòa vẫn duy trì ở mức ổn định. Nhiều cơ sở sản xuất gạch ngói, gia công cửa sắt, nhôm, may công nghiệp, sản xuất các mặt hàng da, các xưởng chế biến hạt điều… tiếp tục mở rộng, phát triển thêm. Trong 7 tháng đầu năm nay, giá trị sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện Tây Hòa đạt 26,578 tỉ đồng.
Toàn huyện hiện có khoảng 1.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp tạo việc làm cho lao động địa phương, mức thu nhập ổn định bình quân từ 1-1,3 triệu đồng/tháng. Nổi bật là hoạt động may công nghiệp tại các phân xưởng lớn tập trung nhiều lao động tại các xã Hòa Tân Tây, Hòa Bình 2, Hòa Đồng, Hòa Phú thu hút khoảng 100 lao động/cơ sở và 6 xưởng hạt điều thu hút hơn 1.200 lao động tại các xã Hòa Bình 1, Hòa Mỹ Đông, Hòa Thịnh, Hòa Phong, Hòa Phú, Hòa Bình 2.
Nhiều lao động nông nhàn không thể đi làm xa, nay có thể làm công nhân ngay tại địa phương. Chị Hồ Thị Phố, công nhân bóc vỏ hạt điều tại một cơ sở ở xã Hòa Đồng cho biết: “Trước đây tôi chỉ làm nông, từ khi đi làm công nhân đến nay thu nhập cho cả nhà khá hơn”. Còn chị Nguyễn Thị Giêng, làm công nhân may tại xã Hòa Tân Đông chia sẻ: “Tôi có công việc làm hàng ngày ở đây là ráp quần nên kinh tế gia đình đã ổn định hơn”.
Vừa qua, UBND huyện Tây Hòa cùng với các ngành chức năng của địa phương đã tiến hành khảo sát quy hoạch cụm CN-TTCN tại xã Hòa Phú. Ông Võ Văn Cách, Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện cho biết: “Huyện đã làm tờ trình xin thành lập cụm CN-TTCN Hòa Phú, đang chờ chủ trương của tỉnh để tiến hành xây dựng kết cấu hạ tầng, kêu gọi đầu tư. Theo định hướng, cụm CN-TTCN này sẽ phát triển các nhóm ngành may mặc và công nghiệp nhẹ”. Theo ông Võ Văn Cách, việc khôi phục phát triển các ngành nghề, làng nghề truyền thống theo hướng tập trung, thu hút nhiều lao động và sử dụng nguyên liệu tại chỗ cũng đang được Tây Hòa quan tâm. Trong đó, đặc biệt chú trọng phát triển các nghề TTCN có triển vọng theo hướng sản xuất mở rộng thị trường như nghề mây tre đan, sản xuất cá khô, cá tẩm xuất khẩu.
Ông Võ Văn Cách cho biết thêm: trong thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo, khuyến khích các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân và phát huy hiệu quả mọi tiềm năng, nguồn lực để thúc đẩy phát triển các ngành nghề CN-TTCN gắn với thương mại dịch vụ, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo môi trường sinh thái. Song song với đó, công tác cải cách thủ tục hành chính được thực hiện triệt để nhằm thu hút đầu tư.
AN NGUYÊN