Những ngày này, ở xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa), thương lái mua tiêu hạt ra vào tấp nập. Từ đầu vụ, giá tiêu đã tăng gấp đôi, người trồng phấn khởi.
Thu hoạch tiêu ở huyện Tây Hòa - Ảnh: D.T.XUÂN |
Từ đầu vụ tiêu (tháng 5/2011) đến nay, ông Lê Viết Luận ở thôn Sơn Thọ, xã Sơn Thành Tây thường lên mạng internet để tìm hiểu diễn biến giá tiêu trong nước và thế giới. Không những thế, ông còn cập nhật giá tiêu hàng ngày bằng cách liên lạc thường xuyên với Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (tỉnh Gia Lai). Theo ông Luận, năm ngoái, giá tiêu đầu vụ chỉ 50.000 đồng/kg, đến cuối vụ tăng lên 80.000 đồng/kg. Năm nay, hồ tiêu ở các nước chuyên trồng loại cây này như Ấn Độ, Brazil, Indonesia đều mất mùa nên giá bán tiêu tăng từ 100.000 đồng/kg lên 110.000 đồng/kg, rồi 115.000 đồng/kg và được dự báo là sẽ tiếp tục tăng. Vụ tiêu năm nay, giá phân bón hữu cơ tăng gấp ba lần, tiền thuê nhân công cũng tăng đến 100.000-120.000 đồng/ngày/người đẩy chi phí đầu tư lên khoảng 80-100 triệu đồng/ha. Tuy vậy, nhờ tiêu được giá nên người dân vẫn “trúng” đậm.
Gia đình ông Võ Bão Lực ở thôn Sơn Trường, xã Sơn Thành Tây trồng 2,5ha, thu hoạch gần 20 tấn tiêu tươi. Sau khi phơi khô và cân bán cho thương lái, ông kiếm được gần 800 triệu đồng. Trong lúc nông dân ở đây đang nhộn nhịp thu hoạch những lứa tiêu cuối cùng thì ông Lực bắt đầu làm cỏ, bón phân, chăm sóc vườn tiêu thời kỳ sau thu hoạch. Về “bí quyết” trồng tiêu của mình, ông Lực chia sẻ: “Cây tiêu rất khó tính, nếu thiếu hoặc thừa nước, phân hóa học thì cây rất dễ sinh bệnh. Tôi thường xuyên lên mạng tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc tiêu, đồng thời tham gia các lớp tập huấn, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước. Nhờ vậy, dù mới trồng 5 năm nhưng thu hoạch được vụ tiêu kinh doanh đầu tiên với năng suất cao nên tôi rất phấn khởi”.
Hiện giá tiêu đang ở mức 115.000 đồng/kg, tăng 15% so với đầu vụ. Năm nay, dù giá tiêu cao nhưng nhiều chủ vườn chưa có ý định bán ra mà giữ hàng trong nhà, chờ giá tăng hơn mới bán. “Gia đình tôi trồng một hécta tiêu. Hiện tôi chỉ mới bán một nửa số tiêu đã thu hoạch để lo đám cưới cho con, số còn lại vẫn trữ trong nhà chờ đến cuối vụ. Nếu bán hết số sản phẩm thu được, trừ chi phí, tôi sẽ còn lời trên 200 triệu đồng” ông Lê Viết Luận nói.
Xã Sơn Thành Tây hiện có khoảng 300ha đất trồng tiêu, sản lượng dự kiến đạt 700 tấn/năm, tăng gần 20% so với vụ tiêu năm ngoái. Người dân đã thu hoạch được một nửa diện tích tiêu hiện có và đến đầu tháng 8 sẽ kết thúc công việc này. Năm nay, Công ty cổ phần Vinacafe Sơn Thành sẽ đưa vào chạy thử nghiệm dây chuyền sản xuất tiêu đen thành tiêu trắng thành phẩm. Đơn vị này sẽ mua gom thêm cho đủ 70 tấn tiêu đen vào cuối vụ để sản xuất. “Công ty dự định mở rộng quy hoạch vùng trồng tiêu lên đến 500ha. Khó khăn hiện nay là số lượng cây tiêu bị sâu bệnh, chết do thối rễ còn cao do nông dân thường sử dụng giống cũ. Với định hướng thâm canh, nâng cao chất lượng vườn tiêu, chúng tôi sẽ mạnh dạn thay đổi giống tốt, sạch bệnh, khuyến khích bón phân hữu cơ vi sinh, hạn chế dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu. Trong tương lai, chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch phát triển vùng tiêu sạch và bền vững, vừa ổn định sản lượng vừa tập trung nâng cao chất lượng” - bà Trần Thị Minh Thư, Giám đốc Công ty cổ phần Vinacafe Sơn Thành cho biết.
LÊ HẢO - HỒ NHƯ