Các loại sách giáo khoa xuất bản năm 2011 đang đồng loạt tăng giá khoảng 17%, khiến nhiều gia đình nghèo có con em đang đi học thêm gánh nặng. Hiện nhiều trường học “hâm nóng” lại lời kêu gọi của Bộ Giáo dục – Đào tạo về việc tăng cường sử dụng sách giáo khoa cũ nhằm giải quyết phần nào biến động của thị trường sách giáo khoa.
Học sinh chọn mua sách, vở tại một điểm bán sách, dụng cụ học tập ở TP Tuy Hòa - Ảnh: N.XUÂN
ĐỒNG LOẠT TĂNG GIÁ
Cuối tháng 4 vừa qua, Nhà xuất bản Giáo Dục công bố nâng giá sách giáo khoa năm 2011 lên 17%, khiến không ít người có con em đang đi học thêm phần lo lắng. Ông Trần Quốc Bửu, Giám đốc Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Phú Yên cho biết: “Việc giá sách giáo khoa tăng 17% là do giá nguyên liệu đầu vào như giấy, mực in… đã tăng trên 30%, điện, nước, xăng dầu, lãi suất ngân hàng cũng tăng cao khiến các cơ sở in buộc phải tăng giá sách cho phù hợp”. Hiện mỗi bộ sách giáo khoa phát hành mới tăng giá từ 7.500 đồng đến vài chục nghìn đồng. Đây thực sự là một “thách thức” đối với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Không chỉ riêng sách giáo khoa mà cả các loại sách bài tập cùng đồng loạt tăng giá. Nhiều đầu sách bài tập tăng từ 40-50% so với giá cũ. Về điều này, một nhân viên nhà sách Nguyễn Văn Cừ (TP Tuy Hòa)cho biết: “Sở dĩ giá các loại sách bài tập tăng là do
sách đã được bổ sung một số nội dung, như bài tập mở rộng cho đa dạng, phong phú hơn. Số trang nhiều hơn nên giá cũng cao hơn. Ví dụ: sách bài tập toán lớp 9 tập 1 từ 8.000 đồng/quyển lên 13.900 đồng/quyển, bài tập ngữvăn lớp 6 tập 1 từ 3.800 đồng/quyển lên 7.400 đồng/quyển, bài tập ngữvăn lớp 6 tập 2 từ 4.000 đồng/quyển lên 8.300 đồng/quyển…”.
Bên cạnh đó, giá các loại vở học sinh, dụng cụ học tập cũng tăng giá. Ông Lê Hữu Công, quản lý nhà sách Nguyễn Văn Cừ, cho biết: “So với cùng kỳ năm ngoái, hiện nhiều loại vở đã tăng giá từ 20-50%. Các loại bút, thước và nhiều dụng cụ học tập khác tăng 10-35%”.
Theo nhân viên các nhà sách, đến thời điểm này, số phụ huynh, học sinh đi mua sách giáo khoa đã bắt đầu tăng mạnh do nhiều học sinh có nhu cầu tham khảo sách trước khi bước vào năm học mới. Tuy nhiên, một số gia đình khó khăn hơn thì vẫn chỉ mua cầm chừng vài cuốn để con em học trước các môn chính, số còn lại thì chờ liên hệ mượn ở thư viện hoặc xin anh em, bạn bè để tiết kiệm bớt chi phí chuẩn bị cho năm học mới.
NHIỀU SỰ LỰA CHỌN
Ngoài lượng sách giáo khoa mới xuất bản năm 2011, hiện các nhà sách vẫn còn một lượng sách giáo khoa cũ và vẫn bán theo giá bìa (nội dung như nhau). Các nhà sách vẫn trưng bày 2 loại sách này cùng lúc để phụ huynh và học sinh kịp “thích nghi” với mức giá mới. Do đó, các phụ huynh vẫn có thể chọn mua sách giáo khoa theo giá bìa cũ. Ngoài ra, để giảm chi phí cho học sinh, khi đóng sách bán nguyên bộ, nhân viên nhà sách đã trộn chung sách giáo khoa mới và cũ để hạ giá thành của bộ sách. Ví dụ, một bộ sách giáo khoa lớp 6 mới xuất bản giá 150.900 đồng, nhưng khi xếp xen vào một số quyển sách cũ thì giá giảm còn 132.200 đồng/bộ; bộ sách giáo khoa 12 giảm từ 245.700 đồng còn 222.000 đồng/bộ… Do vậy, nhiều phụ huynh thích tìm mua sách xuất bản năm cũ vì giá rẻ hơn mà chất lượng giấy in, nội dung không hề thay đổi.
Để chuẩn bị cho năm học mới, các đơn vị kinh doanh sách và thiết bị văn phòng phẩm đã lên kế hoạch phát hành sách cụ thể cho 2 đợt phát hành bao gồm tháng phát hành sách phục vụ hè từ 20/5-20/6 và tháng phát hành sách phục vụ khai giảng từ 20/7-20/8. Trong 2 đợt này, các đơn vị bán sách sẽtriển khai chương trình giảm giá từ 5-10% và có các chương trình khuyến mãi, tặng kèm dụng cụ học tập khác để kích thích sức mua. Đặc biệt, những học sinh nghèo, học sinh vượt khó học giỏi được nhận phiếu giảm giá mua sách giáo khoa 10%, học sinh là con thương binh, liệt sĩ được tặng 1 bộ sách giáo khoa và 10 tập vở 100 trang.
Hiện nhiều trường học tiếp tục phát động phong trào quyên góp sách giáo khoa, dụng cụ học tập cho trẻ em nghèo, khó khăn, trẻ em vùng sâu vùng xa để các em đều có sách học. Đây là phong trào được Bộ Giáo dục - Đào tạo phát động từ nhiều năm nay, nhưng vài năm gần đây đã tạm lắng xuống. Năm nay, khi sách giáo khoa tăng giá, phong trào này lại được phát động mạnh để tạo điều kiện cho các em học sinh nghèo, vùng khó khăn có sách vở học tập. Bên cạnh đó, việc trao đổi, chia sẻ, tặng sách giáo khoa, sách tham khảo hay vẫn được các trường khuyến khích để các học sinh nghèo có sách học tập.
Ông Trần Quốc Bửu, Giám đốc Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Phú Yên cho biết: “Đầu mùa phát hành sách năm nay, công ty của chúng tôi nhập về 100 tấn sách giáo khoa các loại. Vào mùa khai giảng, căn cứ vào nhu cầu của học sinh, chúng tôi sẽcó kế hoạch nhập thêm, tuy nhiên đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa. Chúng tôi luôn khuyến khích các hoạt động quyên góp, trao đổi, tặng sách cũ để tặng cho con em liệt sĩ hoặc gia đình khó khăn, trẻ em vùng sâu vùng xa… để các em có đủ sách khi bước vào năm học mới”.
XUÂN NGÔ