Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa hoàn thành dự thảo nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đang tổ chức lấy ý kiến đóng góp, bổ sung để trình Chính phủ phê duyệt. Tuy nghị định chưa ban hành, nhưng cho thấy có nhiều điểm chưa phù hợp khi áp dụng vào thực tiễn. Trong khi chờ nghị định có hiệu lực, giới kinh doanh vàng ở Phú Yên đang tìm hướng đi mới để đảm bảo lợi nhuận.
Khách hàng mua vàng tại một doanh nghiệp kinh doanh vàng ở TP Tuy Hòa - Ảnh: N.QUANG
CHƯA PHÙ HỢP VỚI THỰC TIỄN
Dự thảo nghị định gồm 25 điều quy định hoạt động kinh doanh vàng nhằm phát triển ổn định thị trường vàng miếng và vàng trang sức. Theo quy định tại khoản 3, điều 5 của dự thảo, hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, vàng mỹ nghệ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo những người kinh doanh vàng ở Phú Yên, quy định này chưa phù hợp với thực tế, bởi tính chất của sản xuất và gia công là hai hoạt động khác nhau. Trong khi hoạt động sản xuất vàng mang tính quy mô của doanh nghiệp, còn gia công chỉ là cách làm thủ công, làm thuê của cá nhân, hoặc hộ gia đình theo đơn đặt hàng. Nếu gộp chung hai hoạt động này vào một quy định với những điều kiện khắt khe như nhau, e rằng các cá nhân, hộ cá thể đang hành nghề gia công vàng trang sức, vàng mỹ nghệ sẽ gặp nhiều khó khăn vì không thỏa mãn được các điều kiện như quy định.
Đối với quy định quản lý kinh doanh vàng miếng, tại khoản 2, điều 4 dự thảo nêu rõ: “Hoạt động sản xuất, kinh doanh mua - bán vàng miếng là hoạt động hạn chế kinh doanh...”. Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp và Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành không có quy định về “hạn chế kinh doanh”, mà chỉ có khái niệm “kinh doanh có điều kiện”. Mặt khác, chỉ có những doanh nghiệp vàng bạc đá quý, tổ chức tín dụng có hoạt động kinh doanh vàng quy mô lớn, có thương hiệu lâu nay như SJC, PNJ, SBJ, ACB, Bảo Tín Minh Châu… mới đáp ứng được các điều kiện về loại hình tổ chức kinh tế, quy mô mạng lưới, vốn điều lệ… của quy định về hoạt động sản xuất, gia công, kinh doanh mua - bán vàng miếng như theo dự thảo. Còn về việc xử lý hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh vàng, khoản 2, điều 21 dự thảo quy định tùy theo mức độ vi phạm sẽ áp dụng biện pháp xử phạt hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật. Hiện nay, hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh vàng đang được áp dụng theo Nghị định số 06/2008/NĐ-CP và Nghị định số 112/2010/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại. Đại diện Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Phú Yên cho biết, hiện nay một số hộ kinh doanh vàng bạc trên địa bàn tỉnh đã kinh doanh không đúng các mặt hàng ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cụ thể là kinh doanh vàng miếng. Nếu áp dụng Nghị định số 06/2008 và Nghị định số 112/2010 để xử phạt hành vi vi phạm này, chỉ phạt cảnh cáo hoặc phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Mức xử phạt như vậy quá thấp, không có tác dụng răn đe.
TÌM HƯỚNG ĐI MỚI
Trong khi chờ đợi nghị định về quản lý kinh doanh vàng có hiệu lực, hơn 4 tháng nay, thông tin siết chặt hoạt động kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do đã tác động mạnh mẽ đến thị trường vàng. Nếu “kịch bản” đúng như giới bán lẻ vàng lo ngại là người dân chỉ được mua bán vàng miếng ở một số đầu mối do Nhà nước quy định thì đối tượng chịu tác động lớn nhất chính là các cá nhân, tổ chức kinh doanh vàng nhỏ lẻ.
Khảo sát thị trường cho thấy, từ tháng 3/2011 đến nay, hoạt động kinh doanh vàng miếng ở TP Tuy Hòa trầm lắng so với cuối năm 2010. Trong bối cảnh thông tin còn chưa rõ ràng, tuy vẫn còn giao dịch vàng miếng bình thường, song các doanh nghiệp kinh doanh vàng chủ yếu mua đi bán lại, rất ít nhập hàng mới về vì sức mua chậm. Ông Lê Ngọc Hòa, chủ một hiệu vàng ở chợ TP Tuy Hòa, cho biết: “Thông tin nhiều chiều làm giao dịch vàng miếng giảm đáng kể, lợi nhuận phải trông vào các mặt hàng khác như: nữ trang, vàng nhẫn và hoạt động cầm đồ...”.
Mặc dù lo ngại, song giới kinh doanh vàng ở Phú Yên đang tính toán cho mình hướng đi mới, nếu vàng miếng bị ngưng kinh doanh trên thị trường tự do. Tuy chưa có lệnh cấm chính thức, song nhiều tháng nay một số doanh nghiệp đã chủ động hạn chế nhập thêm vàng miếng từ các đầu mối ở TP Hồ Chí Minh, mà chỉ mua lại từ người dân và đẩy mạnh việc chế tác vàng nhẫn, vàng khâu. Ông Lê Hoàng Vinh, chủ Doanh nghiệp kinh doanh vàng Kim Hoàng A (TP Tuy Hòa), cho biết thay vì nhập vàng miếng như trước, ông phải chuyển sang nhập vàng nguyên liệu về “dập” thành nhẫn 9999 mang nhãn hiệu riêng để phục vụ cho nhu cầu mua vàng tích trữ của khách.
Một chủ doanh nghiệp kinh doanh vàng trên đường Trần Hưng Đạo, TP Tuy Hòa (xin không nêu tên) cho biết, dù biết vẫn được mua bán, tích trữ vàng miếng, song vì sợ giao dịch ở các đầu mối quy định khó khăn hơn trước nên nhiều người đã chuyển sang giữ vàng khâu để có thể giao dịch dễ dàng hơn.
Hiện nay, vàng khâu dập thành các loại nhẫn từ 0,5-3 chỉ được các hiệu vàng bày bán rất phổ biến, cũng từ vàng nguyên liệu của SJC, song mỗi hiệu vàng cho ra đời một nhãn hiệu riêng và được người tiêu dùng đón nhận khá nhiệt tình. Ngoài vàng nhẫn, một số doanh nghiệp kinh doanh vàng ở Phú Yên cũng đang có kế hoạch đẩy mạnh đầu tư vào các mặt hàng nữ trang cao cấp, đá quý, nữ trang bằng vàng Ý, bạch kim... để phục vụ nhu cầu khách hàng và phục hồi lợi nhuận khi vàng miếng bị cấm.
NGUYỄN QUANG