Thứ Tư, 27/11/2024 22:38 CH
Sản xuất thủy sản trong mùa mưa bão:
Cần chủ động triển khai phương án bốn tại chỗ
Thứ Ba, 12/07/2011 10:00 SA

Mùa mưa bão hàng năm thường gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân. Nhằm khắc phục và hạn chế đến mức thấp nhất sự ảnh hưởng của thiên tai, nhiều chủ trương, biện pháp tích cực và đồng bộ được triển khai đến tận cơ sở. Các tổ chức, lực lượng phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) được thành lập ở các cấp, ngành, địa phương để chủ động đối phó với mưa bão, lũ lụt, TKCN cũng như khắc phục hậu quả thiên tai.

 

TT110712.gif

Nhiều bè nuôi tôm hùm ở TX Sông Cầu bị hư nặng do bão năm 2009- Ảnh: A.NGỌC

 

Phú Yên hiện có trên 7.200 tàu thuyền khai thác thủy sản, trong đó có hơn 700 tàu chuyên dùng để câu cá ngừ đại dương. Ngư dân thường xuyên hoạt động trên biển, phải đối mặt với bão tố, bị đe dọa đến sự an toàn tính mạng và tài sản. Dọc theo bờ biển dài trên 180km từ đầm Cù Mông đến vịnh Vũng Rô, tỉnh Phú Yên có trên 3.000ha nuôi trồng thủy sản và gần 15.000 lồng bè nuôi tôm hùm, cá mú. Ngoài ra, còn có hàng trăm héc ta ao hồ nuôi thủy sản nước ngọt ven các sông, suối, hồ, đập và các khu nội đồng. Các trại sản xuất giống thủy sản phân bố rải rác dọc các khu vực ven biển. Đó là những địa bàn xung yếu, thường phải gánh chịu nhiều thiệt hại do bão lũ gây ra. Hơn nữa, vùng ven biển, đảo và các cửa sông, đầm, vịnh là nơi có các kho tàng, bến bãi, nhà máy chế biến thủy sản, xưởng đóng sửa tàu thuyền, cảng cá, thường tập trung dân cư, cho nên các cấp chính quyền cần quan tâm về đảm bảo an toàn tính mạng con người và tài sản khi mùa mưa bão xảy ra.

 

Mùa mưa bão năm 2011 đang đến gần, các lĩnh vực sản xuất nói chung và sản xuất thủy sản nói riêng đang đứng trước sự đe dọa của lũ, lụt, bão tố, lốc xoáy, triều cường... Để giảm tổn thất cho sản xuất thủy sản khi mùa mưa bão đến, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống bất lợi do bão, lũ lụt gây ra thì việc thực hiện “bốn tại chỗ” là hết sức cần thiết. Sự chuẩn bị “bốn tại chỗ” nếu được tiến hành đồng bộ, kỹ lưỡng từ trước mùa mưa bão sẽ tạo sự chủ động đối phó khi có tình huống xấu xảy ra, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại và giữ vững sản xuất thủy sản, đảm bảo an toàn cuộc sống cho ngư dân và cả cộng đồng. Do vậy, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức để người dân tự bảo vệ mình và cùng cộng đồng phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai. Các cấp, các ngành cần củng cố và đảm bảo phương tiện thông tin liên lạc giữa các ngành, các địa phương, hệ thống đài duyên hải, các phương tiện tàu thuyền hoạt động trên biển của ngư dân, các phương tiện thông tin đại chúng, phát huy sức mạnh cộng đồng trong ngư dân. Chính quyền các cấp cần kiện toàn ban chỉ huy PCLB các cấp, củng cố các tổ, đội xung kích do lực lượng thanh niên và dân quân làm nòng cốt, sẵn sàng thực hiện các phương án PCLB của địa phương, đơn vị đề ra.

 

UBND các huyện, thị xã, thành phố cần có phương án di dời, bảo vệ dân cư, nhất là ở vùng ven biển, cửa sông, vùng trũng thấp, vùng bị sạt lở, thường xuyên bị lũ quét… Các vùng cửa sông, ven biển, đầm, vịnh, các công trình đang thi công phải có phương án phòng tránh, đối phó trong trường hợp có bão đổ bộ, triều cường và sóng lớn xuất hiện đồng thời. Các cơ quan quân sự, công an, biên phòng, thủy sản và các địa phương cần chủ động kiểm tra các phương tiện cứu hộ, có kế hoạch tham gia tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả do lụt, bão gây ra… Ngoài ra, cần thực hiện tốt chế độ trực ban cho các thành viên ban chỉ huy PCLB-TKCN của ngành, địa phương, theo dõi các địa bàn trọng yếu ven biển, nắm sát tình hình diễn biến lụt bão, liên lạc chặt chẽ và thường xuyên với ban chỉ huy PCLB-TKCN của Trung ương, tỉnh, các ngành, địa phương trong tỉnh, tổ chức phối hợp các lực lượng thực hiện phương án cứu hộ, cứu nạn khi bão, lũ, lụt xảy ra. Thông báo cho ngư dân biết các điểm trú đậu tàu thuyền trong mùa mưa bão đã được xác định. Lực lượng có chức năng của ngành thủy sản cần tiến hành kiểm tra thiết bị an toàn đối với người và phương tiện tàu thuyền theo quy định, đặc biệt là kiểm tra việc trang bị cứu sinh, cứu hộ, chống thủng, chống chìm… Khuyến cáo bà con nuôi trồng thủy sản trong tỉnh kiểm tra, gia cố ao hồ tránh sạt lở, chuẩn bị lưới để đăng quanh bờ ao, hồ trước khi xảy ra ngập lụt. Kiểm tra, tu sửa, neo buộc chắc chắn các lồng, bè nuôi tôm hùm, cá mú, tu hài, cá bớp… và tìm vị trí an toàn để di chuyển các lồng bè nuôi thủy sản khi bị sóng gió xô đẩy.

 

NGUYỄN KHẮC TÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek