Chiến lược phát triển xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn tỉnh Phú Yên đến năm 2020 với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Báo Phú Yên phỏng vấn Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ðình Cự xung quanh vấn đề này.
Cá ngừ đại dương Phú Yên đang được tỉnh xúc tiến xây dựng thương hiệu - Ảnh: M.NGUYỆT |
* Đồng chí cho biết cơ cấu hàng hóa xuất khẩu giai đoạn 2011-2020 được xác định như thế nào?
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu giai đoạn 2011-2020 được xác định nhóm hàng nông, lâm, thủy sản sẽ chiếm 67,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, nhóm hàng công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp chiếm gần 26%, các mặt hàng khác chiếm gần 6,6%. Trong nhóm hàng nông, lâm, thủy sản thì mặt hàng thủy sản và hạt điều vẫn giữ vai trò chủ lực.
- Ở giai đoạn này, việc phát triển mặt hàng chủ lực của tỉnh có những chuyển dịch đáng kể, thay đổi vai trò của các mặt hàng chủ lực. Đó là sự tăng trưởng của hàng thủy sản, hàng điều và khả năng mở rộng quy mô sản xuất và xuất khẩu của các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp. Cụ thể, giai đoạn 2011-2015 tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu có lợi thế sẵn có như hạt điều, thủy sản, tinh bột sắn, dệt may, sản phẩm gỗ, thủ công mỹ nghệ, cao su... Giai đoạn 2016-2020, bên cạnh phát triển xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế, tỉnh sẽ mở rộng và phát triển mạnh các mặt hàng sử dụng lao động trình độ cao và công nghệ tiên tiến, như đồ điện gia dụng, lắp ráp điện tử, chế tạo máy móc, cơ khí, chế biến thực phẩm...
* Giải pháp về vùng nguyên liệu được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?
- Tỉnh sẽ từng bước hình thành các trang trại quy mô lớn, HTX kiểu mới và các vùng chuyên canh khép kín, như vậy mới có điều kiện sử dụng công nghệ tiên tiến, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật và tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, đồng nhất, đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, tỉnh còn xây dựng mối liên hệ chặt chẽ giữa các doanh nghiệp sản xuất chế biến hàng xuất khẩu với các cơ sở sơ chế, thu mua nguyên liệu và với hộ nông dân, trang trại, cơ sở nuôi trồng sản xuất ra nguyên liệu, trong đó có sự tham gia quản lý của Nhà nước để tạo điều kiện phát triển vùng nguyên liệu ổn định; thiết lập kênh phân phối bền vững từ các nhà sản xuất ra nguyên liệu đến nhà sản xuất chế biến hàng xuất khẩu. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ xây dựng, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung theo quy hoạch đối với các loại cây công nghiệp ngắn ngày như mía, sắn...; các cây công nghiệp dài ngày như điều, dừa, cao su...; các vùng nguyên liệu gia súc; nuôi trồng thủy sản nước lợ, nước mặn nhằm tạo nguồn nguyên liệu hàng hóa tập trung có năng suất và chất lượng cao để phục vụ cho công nghiệp chế biến. Các nhà máy chế biến gắn với vùng nguyên liệu cũng sẽ được xây dựng nhằm tạo sự phát triển bền vững vùng nguyên liệu. Mối liên kết bốn nhà: Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông cần thực hiện tốt.
* Theo đồng chí, làm thế nào để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm của doanh nghiệp?
- Trước hết, những mặt hàng chủ lực cần phải được xây dựng thương hiệu. Trong sản xuất, các doanh nghiệp nên áp dụng công nghệ phù hợp để tạo ra các sản phẩm có chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường, giảm chi phí sản xuất. Việc nghiên cứu để nắm bắt xu hướng thay đổi nhu cầu của thị trường, nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm có hàm lượng gia tăng cao cần được chú trọng để đáp ứng nhu cầu thị trường. Các doanh nghiệp cần đầu tư áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu để giảm chi phí trong giao dịch, hạ giá thành sản phẩm; đẩy mạnh xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm. Các doanh nghiệp cũng nên xây dựng cho mình chiến lược mở rộng liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp với nhau, nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực theo hướng chuyên nghiệp hóa và công nghiệp hóa; sắp xếp, hợp lý hóa quy trình sản xuất, kinh doanh nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh; đẩy mạnh mối liên kết giữa người sản xuất - cung cấp nguyên, vật liệu đầu vào với doanh nghiệp và các cơ quan nghiên cứu khoa học nhằm tổ chức hiệu quả chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất nguyên, vật liệu đầu vào đến khâu tổ chức sản xuất hiệu quả.
* Cơ chế, chính sách hỗ trợ xuất khẩu được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?
- Tỉnh có kế hoạch đầu tư phát triển cho cụm, điểm công nghiệp, làng nghề, khu sản xuất chế biến, gia công hàng xuất khẩu; tiếp tục nghiên cứu, kịp thời hiệu chỉnh, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu; tăng cường hướng dẫn chi tiết các văn bản, nghị định, hiệp định thương mại tới người sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ; có chính sách ưu đãi đối với lao động có trình độ chuyên môn cao làm việc tại tỉnh; đơn giản các thủ tục có liên quan đến thuê đất, cấp phép xây dựng, vay vốn... để thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào tỉnh. Tỉnh còn hỗ trợ các nhà sản xuất, xuất khẩu vượt qua các rào cản trong thương mại, đưa việc phát triển các doanh nghiệp xuất khẩu vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu đổi mới kỹ thuật công nghệ kinh doanh. Tỉnh cũng sẽ kiện toàn hệ thống dịch vụ để cung cấp dịch vụ thông tin, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu của tỉnh.
* Xin cảm ơn đồng chí!
MINH CHÂU (thực hiện)