Hiện giá mủ cao su đang tăng cao, người dân Sông Hinh bỏ cây cà phê, chuyển sang trồng cao su. Theo tính toán của nông dân, cây cao su phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, phát triển tốt, cho thu nhập cao, còn cây cà phê thì do thiếu nước nên ít ra trái.
Mủ cao su tăng giá, nhiều nông dân huyện Sông Hinh phá bỏ các loại cây trồng khác chuyển sang trồng cao su. - Ảnh: H.NAM
Mủ cao su thời gian qua liên tục tăng cao, hiện có giá 40.000 đồng/kg, năm trước chỉ có 28.000 đồng/kg. Theo nhiều nông dân, cây cao su trồng đến 6 năm tuổi bắt đầu cho mủ, thời gian thu hoạch 15-20 ngày/năm. 1ha trồng được 100 cây cao su, vào vụ thu hoạch, người dân có thể thu được gần một triệu đồng mỗi ngày. Đây là một trong những lý do mà người dân ở huyện Sông Hinh chuyển sang trồng cây cao su thay vì trồng cà phê, mì và một số cây trồng khác như lâu nay.
Gia đình anh Phạm Văn Vị ở xã Ea Bar trồng 4ha cà phê xen canh với cây cao su, trong đó có 2ha đất trồng cao su được 4 năm tuổi, cây cà phê đã ra trái. 2ha đất còn lại đang trồng cà phê, sắn và cao su. Anh Vị, cho biết: “Diện tích này trước đây tôi trồng cà phê đã ra trái nhưng bây giờ cao su có giá nên trồng xen vào, khi cây cao su lớn tôi chặt bỏ dần, sau đó cao su sẽ thế chỗ cây cà phê”.
Từ đầu năm đến nay, tại xã Ea Trol, bà con nông dân đã trồng được 5ha cao su, trồng xen với cây cà phê, đưa diện tích cao su ở địa phương lên trên 110ha. Tổng diện tích trồng cao su của toàn huyện Sông Hinh hiện hơn 2.000ha. Theo quy hoạch, năm 2015, toàn huyện Sông Hinh sẽ trồng 6.000ha cây cao su và diện tích này có thể được mở rộng hơn nữa. Ông Ksor Y Thoa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Trol, giải thích: “Người dân xã Ea Trol đang chuyển sang trồng cao su tiểu điền nên diện tích cây cà phê bị giảm dần. Nguyên nhân chính là cây cao su phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, giá mủ đang tăng cao, còn cây cà phê do thiếu nước ít ra trái nên trồng lại không có lãi”.
Điều đáng để người dân và các ngành chức năng huyện quan tâm lúc này là tình hình thời tiết luôn diễn biến thất thường và gây thiệt hại nặng cho người trồng cao su. Vào năm 2009, cơn bão số 11 đã làm gần 87.000 cây cao su đổ ngã tương đương với 157ha, trong đó có 50% số cây cao su đang cho thu hoạch, thiệt hại không nhỏ. Đây là một trong những vấn đề mà người dân huyện Sông Hinh cần cân nhắc trước khi trồng cây cao su.
ĐẶNG DỰ