Thứ Năm, 03/10/2024 05:34 SA
Ði bắt vẹm đá, sứa cơm
Thứ Bảy, 02/07/2011 11:00 SA

Ngoài nghề chính là nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản truyền thống, từ nhiều tháng nay, hàng trăm hộ dân ở năm xã An Cư, An Hải, An Hiệp, An Hòa, An Ninh Ðông ven đầm Ô Loan (huyện Tuy An) còn có thêm thu nhập cao từ việc bắt vẹm đá (hay ốc cháy) và sứa cơm.

 

so-che-sua110702.jpg

Sơ chế sứa tại xã An Cư (huyện Tuy An). - Ảnh: L.HẢO

 

Do vẹm đá và sứa cơm đang xuất hiện ngày một nhiều trên đầm Ô Loan nên hơn một tuần nay, hàng chục thương lái đã tập kết tại các khu vực bờ đầm để mua với giá 2.500 - 3.000 đồng/kg vẹm đá, 35.000 đồng/thùng sứa cơm. Ông Trần Phương ở thôn Tân Long, xã An Cư, một người sống lâu năm ở đầm Ô Loan, cho biết: “Vẹm đá có hình dạng giống vẹm xanh, thường bám đầy trên đá hoặc các vật thể có trong đầm. Đặc biệt, vẹm đá chỉ mới xuất hiện ở Ô Loan từ đầu năm nay, thích sống trong môi trường nước lợ và chỉ có thể làm thức ăn cho tôm hùm chứ không dùng được vào việc gì khác”. Mỗi ngày, ông Phương cùng các con lặn bắt được khoảng 50kg vẹm đá, đem bán cho những người nuôi tôm hùm với giá 2.500-3.000 đồng/kg. Ngày biển động, ít cá, giá bán có thể lên đến 5.000 đồng/kg. Với nghề phụ này, ông Phương kiếm được trung bình 150.000-200.000 đồng/ngày, trang trải thêm chi phí sinh hoạt trong gia đình.

 

Bên cạnh vẹm đá, sứa cơm cũng xuất hiện với mật độ dày đặc, đem lại nguồn lợi cho không ít người dân địa phương. Theo bà Ngô Thị Trang ở xã An Ninh Đông, một người chuyên mua gom sứa cơm thì mấy năm trước, phải chờ tới ngày biển yên mới có sứa nên khoảng nửa tháng mua một đợt. Năm nay, bà con chủ động đi tìm sứa để đánh bắt, hoạt động mua gom diễn ra liên tục từ tháng Giêng đến nay.

 

Vừa trở về sau một chuyến đánh bắt, ông Nguyễn Thái Hòa ở thôn Phú Tân 2, xã An Cư chia sứa trong xuồng sang những thùng nhỏ rồi đem bán cho những người sơ chế tại bến với giá 35.000/thùng, mỗi thùng nặng khoảng 20kg. Ông Hòa cho biết mỗi ngày ông đi khoảng 2 chuyến, trung bình bắt được 150kg sứa, “bỏ túi” 250.000-300.000 đồng. Không những đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người đánh bắt, sứa cơm còn giúp cho nhiều phụ nữ sống ven đầm kiếm được 100.000-150.000 đồng/ngày nhờ tiền công sơ chế sứa. Vừa phơi sứa, bà Phạm Thị Mai ở thôn Phú Tân 2, xã An Cư vừa giải thích cách biến sứa thô thành thành phẩm. Sứa mua về được cho vào các bao nilon lớn, phơi ngoài nắng khoảng 1-1,5 tiếng đồng hồ cho sứa chín và “ra hoa”. Sau đó, sứa được chà hết nhớt, làm trắng, bóc gạch rồi đem muối phèn. Muối phèn là công đoạn quan trọng, giúp sứa săn chắc và có màu đẹp. Theo bà Mai: “Việc sơ chế sứa không khó, chỉ cần chọn đúng thời điểm khi sứa vừa chín tới, có màu xanh lơ là đẹp. Phơi ít nắng, sứa còn sống sẽ có màu xanh đậm. Phơi nhiều nắng thì sứa mềm, đỏ, không còn giòn ngon và phải bán với giá thấp”. Sứa thành phẩm được chia làm nhiều loại với giá bán khác nhau, tùy vào chất lượng; trong đó, sứa chân có giá cao nhất 20.000-25.000 đồng/kg, sứa tai (hay còn có tên khác là sứa chén, sứa bi, sứa búp, sứa gạo) khoảng 5.000 đồng/kg, sứa đỏ có giá rẻ nhất 2.000 đồng/kg.

 

Hiện tại, các điểm sơ chế sứa thủ công được đặt ngay ven đầm Ô Loan. Hoạt động mua gom sứa quanh đầm cũng diễn ra sôi nổi hơn mọi năm. Riêng xã An Cư hiện có trên 10 điểm mua gom sứa tập trung và rất nhiều xe mua di động, linh hoạt di chuyển từ điểm này sang điểm khác. Sứa làm ra chủ yếu bán cho thương lái ở TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), chỉ một số ít được bán ở TP Tuy Hòa.

 

LÊ HẢO - KIỀU MY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek