Ngành Nông nghiệp vừa lập dự án Quy hoạch các vùng chăn nuôi và khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung của tỉnh từ nay đến năm 2020 và tiến tới phát triển nền chăn nuôi hiện đại, bền vững. Báo Phú Yên phỏng vấn Giám đốc Sở NN-PTNT Biện Minh Tâm xung quanh vấn đề này.
Ông Biện Minh Tâm - Giám đốc Sở NN -PTNT tỉnh Phú Yên - Ảnh: T.HƯƠNG
* Đồng chí cho biết về thực trạng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và các khu giết mổ trên địa bàn tỉnh hiện nay?
- Chăn nuôi là ngành sản xuất mũi nhọn để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, với sự phát triển nhỏ lẻ, manh mún và tự phát như thời gian qua đã bộc lộ khá nhiều tồn tại. Phần lớn số hộ chăn nuôi nằm xen lẫn trong khu dân cư, chất thải từ chăn nuôi hầu hết chưa qua xử lý, thải trực tiếp ra môi trường gây nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Trong khi đó, diễn biến dịch bệnh trong chăn nuôi ngày càng phức tạp và khó kiểm soát, gây thiệt hại về kinh tế; sản phẩm chăn nuôi khó được kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm để đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng, dẫn đến không đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Nhiều năm nay, ngành chăn nuôi của tỉnh xác định các loại vật nuôi chính, đó là con bò, heo và các loại gia cầm, trong đó con bò là chủ lực. Tuy nhiên, do chăn nuôi nhỏ lẻ theo quy mô hộ gia đình, mang tính tự phát, không tập trung nên dễ lây lan dịch bệnh, phát sinh ổ dịch lớn khi dịch bệnh xảy ra… nên hiệu quả kinh tế mạng lại chưa cao.
Hình thức giết mổ gia súc, gia cầm cũng nhỏ lẻ và nằm xen kẽ trong các khu dân cư. Trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có một lò giết mổ tập trung tại phường 8 (TP Tuy Hòa), trong khi có đến 203 điểm giết mổ nhỏ lẻ tạm thời tại gia đình, nên công tác kiểm soát giết mổ gặp nhiều khó khăn, chỉ đạt tỉ lệ 20-30%.
* Phú Yên có những điều kiện gì để phát triển ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, bền vững?
- Thế mạnh của tỉnh là chăn nuôi bò thịt. Hiện tại Phú Yên nằm top 10 tỉnh, thành của cả nước có đàn bò và sản lượng thịt tốt. Người chăn nuôi bò có nhiều kinh nghiệm trong việc chăn nuôi bò lai, vỗ béo bò thịt và đã có nhiều mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả cao. Tiềm năng phát triển bò thịt còn rất lớn, tập trung ở ba huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân. Bên cạnh đó, công tác truyền giống, dịch vụ thú y thời gian qua cũng được xã hội hóa; các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, thức ăn chăn nuôi, thú y, chăm sóc nuôi dưỡng đã và đang được triển khai và mang lại những kết quả thiết thực cho người chăn nuôi.
Để đưa ngành chăn nuôi phát triển một cách bền vững, nhiều chính sách ưu đãi đang được triển khai, như: dự án cải tiến nâng cao chất lượng giống bò thịt, dự án xây dựng trung tâm giống vật nuôi tỉnh, chương trình thanh toán và khống chế bệnh lở mồm long móng, cúm gia cầm, các chương trình khuyến nông…
Nông dân xã Hòa Tân Đông (huyện Đông Hòa) chăn nuôi heo hướng nạc - Ảnh: N.QUANG
* Mục tiêu của dự án Quy hoạch các vùng chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung của tỉnh là gì, thưa đồng chí?
- Mục tiêu của dự án là nhằm tạo dựng các mô hình chăn nuôi quy mô vừa và lớn theo hướng chuyên canh và công nghiệp. Thông qua đó, các tiến bộ khoa học kỹ thuật được chuyển giao và áp dụng; chuồng trại được xây dựng cách xa khu dân cư theo quy trình công nghiệp như chuồng, lồng, van uống tự động đảm bảo vệ sinh thú y, xử lý chất thải bằng hầm biogas, chế phẩm sinh học nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế dịch bệnh lây lan sang người và gia súc; nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi, tăng thu nhập cao cho người chăn nuôi và góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
* Xin xảm ơn đồng chí!
TUYẾT HƯƠNG (thực hiện)