Đó là thông tin do ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) thông báo trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế “Bất ổn vĩ mô và tác động phúc lợi: Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam” mới diễn ra tại Hà Nội.
Ông Bảo cho biết, tính đến ngày 20/6, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,45% so với cuối năm 2010 và tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Tín dụng tăng 7,13%, trong đó tín dụng là đồng Việt
Về việc thực hiện Nghị quyết 11/NĐ-CP, ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng cơ cấu tín dụng hiện nay phù hợp với mục tiêu của Chính phủ đề ra, cơ bản đáp ứng nhu cầu vay của doanh nghiệp và hộ sản xuất. Đến cuối tháng 5, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực sản xuất tăng 10,97% so với cuối năm 2010, chiếm tỉ trọng 83% tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế; tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu tăng khoảng 25%, gấp hơn 3 lần tốc độ tăng trưởng tín dụng chung đối với nền kinh tế; dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất giảm 9,46% so với cuối năm 2010, chiếm tỉ trọng 16,91% tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Dư nợ để đầu tư kinh doanh bất động sản là 220.787 tỉ đồng, giảm 6,16% so với cuối năm 2010, chiếm 9,4% dư nợ tín dụng toàn hệ thống; tỉ lệ nợ xấu 2,37%.
Trong khi đó, lãi suất huy động VND bình quân là 15,15%, tăng 3% so với cuối năm 2010. Lãi suất cho vay VND bình quân ở mức 18,6%, tăng 3,2%/năm so với cuối năm 2010, lãi suất cho vay đối với lĩnh vực xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa ở mức thấp hơn; lãi suất thị trường nội tệ liên ngân hàng ở mức khá cao trong 4 tháng đầu năm, nhưng từ đầu tháng 5 đến nay đã giảm, hiện lãi suất qua đêm khoảng 13%/năm. Lãi suất huy động USD bình quân khoảng 1,81%/năm, lãi suất cho vay USD bình quân 6,4%/năm.
Nhìn nhận những rủi ro có thể phát sinh, ông Nguyễn Ngọc Bảo đã đề cập đến các vấn đề như sai lệch cơ cấu đồng tiền và nợ xấu bất động sản. Cụ thể, dư nợ cho vay trung và dài hạn còn chiếm tỉ trọng khá lớn, tới 77%, trong khi vốn huy động của các tổ chức tín dụng chủ yếu là ngắn hạn, nên có thể phát sinh rủi ro thanh khoản. Dư nợ cho vay xây dựng, mua nhà, sửa chữa nhà để bán chiếm 45%, khả năng thu hồi nợ cho vay đối với nhu cầu vốn này gặp khó khăn do giá nhà ở đang vượt quá khả năng thu nhập của đại đa số người có nhu cầu mua nhà để ở, nên khả năng tiêu thụ nhà ở đang có xu hướng chậm lại.
Theo chinhphu.vn