Hiện nay, toàn tỉnh có 203 hợp tác xã (HTX), trong đó có 139 HTX đang hoạt động, phần lớn trong số đó là các HTX nông nghiệp.
Lao động nữ ở thôn Mỹ Thành (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa) có thu nhập ổn định từ nghề bó chổi đót - Ảnh: H.NAM
Có thể nói rằng, trong nông nghiệp, nông thôn, HTX và tổ hợp tác chính là “bà đỡ” của nông dân nói chung và hộ nghèo nói riêng. Vì quá trình hình thành phát triển của HTX và các tổ hợp tác hoàn toàn dựa trên đặc điểm, tính chất và trình độ tập quán của bà con theo từng vùng, từng dân tộc. Việc thành lập này hoàn toàn tự nguyện, nhằm mục tiêu phục vụ lợi ích cho những người tham gia có nơi sinh hoạt cùng phát triển kinh tế. Do đó HTX là tổ chức có khả năng tiếp cận trực tiếp với người dân, nắm bắt được nhu cầu của người dân và kịp thời cung cấp những dịch vụ phù hợp nhất, với chi phí thấp nhất cho người dân. Điều này được thể hiện ở những điều sau:
Trước hết, HTX được thành lập có tư cách pháp lý, là tổ chức do xã viên thành lập, tự quản lý, hoạt động vì lợi ích xã viên với thành phần chủ yếu là người nông dân tự nguyện tham gia dưới hình thức hùn vốn. Họ bầu ra cán bộ quản lý là người cùng sống trong cộng đồng thông qua đại hội xã viên. Do vậy, HTX là tổ chức của dân, đại diện quyền lợi nhân dân nên được người dân tin tưởng. Tiếp đến, HTX là tổ chức làm cầu nối giữa chính quyền và người dân, góp phần giải quyết các mối quan hệ sản xuất giữa HTX với các cơ quan chức năng, các tổ chức kinh tế - xã hội có liên quan đến người lao động. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, sự phát triển của HTX tỉnh luôn chịu sự chi phối nhất định của những yếu tố như: cạnh tranh thị trường, biến động giá cả, nguồn đầu vào và đầu ra cho sản phẩm gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tinh thần, vật chất của người dân. Nếu không có tổ chức đại diện có uy tín bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân thì việc xóa đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn khó có thể thực hiện hiệu quả và bền vững. Do vậy, HTX luôn được tổ chức theo hình thức phục vụ kinh tế hộ xã viên, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân. Ngoài ra, tuy là một trong số các thành phần kinh tế quan trọng của Nhà nước nhưng HTX vẫn thành lập khá đơn giản với nội dung hoạt động đa dạng trong tổ chức dịch vụ tổng hợp nhằm giảm thiểu tác động thông qua khâu trung gian, đảm bảo yếu tố đầu vào, đầu ra ổn định cũng như hiệu quả trong sản xuất - kinh doanh; nhờ vậy đã góp phần đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững.
Để HTX làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo, giúp hộ xã viên vươn lên làm giàu nhanh chóng, rất cần tạo điều kiện cho HTX phát triển thông qua việc hoạch định chính sách, hoàn thiện các thể chế, văn bản về luật liên quan đến các lĩnh vực đất đai, thương mại, môi trường... sát với thực tiễn. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh công tác đào tạo nghề cho lao động, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý HTX, tạo điều kiện cho HTX tiếp cận vốn vay từ các nguồn quỹ khác nhau nhằm tái đầu tư trong sản xuất. Điều quan trọng nhất hiện nay là đẩy nhanh tiến độ thành lập quỹ hỗ trợ phát triển HTX và liên hiệp các HTX theo vùng, miền để các HTX có thể giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển.
BẢO PHƯỚC
(Liên minh HTX Phú Yên)