Nước ta có 3.260km bờ biển, với hơn 4.000 hòn đảo lớn nhỏ, diện tích vùng biển đặc quyền kinh tế trên 1 triệu cây số vuông, gấp 3 lần so với diện tích đất liền. Hàng năm, biển cung cấp cho con người một khối lượng lớn thực phẩm, nguyên nhiên vật liệu và năng lượng… Thế nhưng, những năm gần đây, môi trường biển đang có nhiều tác động xấu và biến đổi phức tạp, đòi hỏi các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân đề cao trách nhiệm bảo vệ môi trường biển.
Người dân TX Sông Cầu cho tôm hùm nuôi trên đầm Cù Mông ăn. - Ảnh: N.CHUNG
Phú Yên là một trong những tỉnh có nhiều tiềm năng lợi thế để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đặc biệt là lĩnh vực thủy sản, du lịch sinh thái và hàng hải. Với chiều dài bờ biển trên 189km, có nhiều dải núi ăn lan ra biển hình thành các eo vịnh, vũng, đầm và bãi triều ngập mặn ven biển. Diện tích vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế trên 34.000km2, với 9 đảo lớn, nhỏ gần bờ (Lao Mái Nhà, Hòn Yến, Hòn Chùa, Hòn Than, Hòn Dứa, Hòn Khô, Hòn Nưa...) có nhiều rạng đá san hô và thảm thực vật biển tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loài thủy sản sinh sôi, phát triển; diện tích ngư trường khai thác có hiệu quả khoảng 6.900km2, nguồn lợi hải sản phong phú, đa dạng; gần 500 loài cá, 30 loài tôm, 15 loài mực và một số loài hải sản khác thuộc lớp nhuyễn thể. Trong đó có hơn 35 loài đặc sản như tôm, cá, mực có giá trị kinh tế cao.
Tài nguyên, nguồn lợi biển phong phú và đa dạng, nhưng do việc khai thác không hợp lý, đã và đang làm cho môi trường, tài nguyên, nguồn lợi của biển ngày càng bị suy giảm và biến đổi phức tạp. Trong vòng 30 năm qua, diện tích rừng ngập mặn ven biển đã giảm quá nửa và hơn 20 năm trở lại đây, diện tích các rạn san hô giảm đến gần 20%. Các thảm cỏ biển cũng đang bị suy thoái nghiêm trọng, nhiều nơi đã mất hẳn. Các hoạt động kinh tế, du lịch, khai khoáng, hàng hải, đô thị hóa, công nghiệp, thủy sản, dầu khí đã và đang tạo ra hệ lụy là sự ô nhiễm môi trường nước và trầm tích tại các vùng ven biển, cửa sông, các đầm, vũng, vịnh ven bờ. Nguy hiểm hơn, tình trạng ô nhiễm do sự cố tràn dầu, đánh bắt thủy sản giã cào ven bờ, bằng chất nổ, xung điện, chất độc hóa học theo kiểu hủy diệt trên vùng biển và ven biển trong những năm gần đây, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường và sự tồn tại, phát triển của sinh vật biển. Tình trạng chặt phá rừng ngập mặn ven biển đã phá vỡ thế cân bằng tự nhiên. Việc lấn biển xây dựng nhiều công trình kiến trúc, du lịch, dịch vụ, sản xuất kinh doanh, xây dựng hồ, đập để nuôi thủy sản ven biển không theo quy hoạch ở nhiều nơi đã gây ra sự biến đổi địa hình, thay đổi chế độ dòng chảy và ngập nước, gây bồi lắng và xói lở ở vùng cửa sông ven biển ở nhiều nơi. Hiện tượng mặn hóa, phèn hóa và ngọt hóa gây ô nhiễm hữu cơ cho môi trường nước... làm cho hệ sinh thái ven biển bị phá vỡ cân bằng tự nhiên.
Một khu rừng phòng hộ ven biển TP Tuy Hòa bị chặt phá. - Ảnh: P.NAM
Những kết quả đạt được của công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên, nguồn lợi biển ở nước ta thời gian qua cũng chỉ là bước đầu, còn nhiều mặt hạn chế, thiếu sự đồng bộ, thiếu các căn cứ khoa học cần thiết để xây dựng các chính sách, hoạch định chiến lược, quy hoạch và quản lý, phát triển kinh tế biển bền vững.
Thiết nghĩ, đồng thời với việc ban hành các chế tài pháp luật đủ mạnh để bảo vệ môi trường biển, ngành chức năng cần có giải pháp áp dụng những công nghệ mới, tiên tiến vào quan trắc, cảnh báo, giám sát, bảo vệ môi trường, nguồn lợi, tài nguyên biển. Ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng chặt phá rừng phòng hộ và rừng ngập mặn ven biển, tình trạng khai thác thủy sản bằng giã cào ven bờ, xung điện, chất độc. Đẩy mạnh phong trào trồng rừng ngập mặn và rừng phòng hộ ven biển ở những địa phương có điều kiện thích hợp. Có quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế liên ngành đối với các ngành kinh tế biển để tránh tình trạng mạnh ngành nào ngành đó làm, gây nên sự chồng chéo và tác động xấu lẫn nhau. Đồng thời, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân trong bảo vệ môi trường, nguồn lợi, tài nguyên biển. Xây dựng nội dung bảo vệ môi trường, nguồn lợi, tài nguyên biển, bảo vệ biển đảo và đưa vào chương trình giáo dục phổ thông để trang bị cho thế hệ trẻ; tuyên truyền về truyền thống bảo vệ môi trường, nguồn lợi, tài nguyên biển, chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc của cha ông cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau. Xác định đây là trách nhiệm chung của toàn xã hội, các cấp, các ngành liên quan và mọi người dân chung tay, hợp sức xây dựng.
Bảo vệ môi trường, nguồn lợi, tài nguyên biển để phát triển kinh tế biển bền vững, các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân làm kinh tế biển phải có giải pháp hợp lý, có hành động ứng xử khoa học, phù hợp trong khai thác, sử dụng tài nguyên, nguồn lợi từ biển và thái độ thân thiện với môi trường.
NGUYỄN KHẮC TÂN