Trong năm qua, Xuân Sơn Bắc đã huy động nhiều nguồn lực khắc phục hậu quả thiên tai, xây dựng, nâng cấp đường giao thông, trường học, trạm xá... xây dựng nông thôn mới.
Cầu Sông Cô đang được đầu tư xây dựng - Ảnh: P.NAM |
Qua hai đợt mưa lũ năm 2009-2010, hầu hết các trục đường vào trung tâm xã đều bị xuống cấp, nhiều công trình công cộng bị nước lũ cuốn trôi, nhà cửa của nhân dân bị hư hỏng… Đến nay, gần như đã được khôi phục, xây dựng khang trang với kinh phí hàng chục tỉ đồng. Trường tiểu học Xuân Sơn Bắc ở thôn Tân Bình và phân trường thôn Tân Phước bị mưa lũ phá hỏng gần như hoàn toàn, nay đã được xây dựng ở vị trí cao ráo, thoáng đãng hơn với tổng kinh phí 3,3 tỉ đồng, gồm 14 phòng học, 2 phòng làm việc khang trang; Trường THCS Trần Quốc Tuấn ở thôn Tân Bình gồm 10 phòng học, kinh phí 2,5 tỉ đồng; chợ trung tâm được xây dựng với hơn 1,4 tỉ đồng…, được đưa vào sử dụng đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho xã này. Không những thế, niềm mong đợi từ bao đời nay của nhân dân xã Xuân Sơn Bắc nói riêng, huyện Đồng Xuân nói chung là cầu Sông Cô vừa được đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 8 tỉ đồng, trong đó Nhà máy sắn Đồng Xuân đóng góp 40%. Khi công trình này được đưa vào sử dụng sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển nông sản và phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, đồng thời chấm dứt tình trạng giao thông bị chia cắt trong mùa mưa lũ.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn Bắc Đặng Ngọc Tân phấn khởi cho biết: “Đến nay, toàn xã đã bê tông hóa hơn 1.400/7.500m đường giao thông nông thôn, phấn đấu đến năm 2016 xã hoàn thành việc bê tông hóa đường giao thông nông thôn. Địa phương đang hoàn tất giai đoạn cuối công trình trạm y tế xã với kinh phí đầu tư 1,7 tỉ đồng. Đây là tiêu chí quan trọng để xã đạt chuẩn quốc gia về y tế trong năm nay”. Ông Tân cho biết thêm, toàn xã có gần 300ha lúa nước hai vụ, 35ha sắn và gần 200ha mía. Lúa vụ đông xuân vừa rồi do thời tiết không thuận lợi nên nhiều diện tích bị lem lép hạt, năng suất chỉ đạt 58 tạ/ha. Tuy nhiên, mía, sắn được mùa, được giá nên đã bù lại tổn thất cho nông dân. Mấy năm gần đây, mía, sắn được mùa, giá cao, bà con tận dụng đất hoang hóa để đầu tư mở rộng diện tích trồng trọt, nhờ vậy mà đời sống ngày càng được cải thiện. Năm 2010, toàn xã có hơn 300 hộ nghèo, chiếm khoảng 29%, bình quân giảm 3%/năm; hơn 30 hộ có kinh tế khá, giàu với mức thu nhập từ 70-100 triệu đồng nhờ trồng mía, sắn, nuôi bò, dê như gia đình các ông Lê Văn Lộc, Nguyễn Văn Minh ở thôn Tân Bình, Châu Diên Hồng ở thôn Tân Phước… Mong muốn của địa phương hiện nay là cầu Cây Sung trên ĐT642 qua địa bàn thôn Tân Bình sớm được đầu tư xây dựng, đảm bảo giao thông thông suốt, phá thế cô lập trong mùa mưa lũ.
Để xây dựng nông thôn mới, xã Xuân Sơn Bắc đang tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đầu tư phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ, các ngành nghề mây tre lá xuất khẩu, sản xuất mộc gia dụng, vật tư nông nghiệp… tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nông dân lúc nông nhàn.
PHƯƠNG