Không thịnh như nghề nuôi bò nhưng nghề nuôi trâu đàn đang mang lại nguồn thu nhập tương đối cao và ổn định cho nông dân. Xã Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa ) hiện có không ít nông dân “phất” lên, xây nhà tầng từ nghề này.
|
Chăn nuôi trâu đàn, ít dịch bệnh... nông dân có lãi cao. - Ảnh: T.HƯƠNG |
Nghề nuôi trâu đàn tồn tại và phát triển tại xã Hòa Quang Nam trên 10 năm và đã góp phần ổn định đời sống nhân dân ở đây. Ông Lê Văn Bình, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Hòa Quang Nam cho biết: “Trước đây địa phương chỉ có một vài gia đình nuôi trâu với số lượng vài ba con, chủ yếu để lấy sức kéo. Từ khi thịt trâu có chỗ đứng trên thị trường, cho giá trị kinh tế tương đối cao nên bà con mở rộng quy mô chăn nuôi, từ đó nhiều nông dân làm theo”. Hiện tổng đàn trâu của xã lên đến gần 800 con với trên 30 hộ nuôi có số lượng tương đối lớn, từ 10 đến gần 200 con, còn các hộ nuôi với số lượng vài ba con thì khá nhiều. Điển hình như gia đình ông Ngô Văn Chương ở thôn Phú Thạnh có đàn trâu lên đến 150 con. Ông Chương cho hay: “Lúc trước nhà tôi nghèo lắm, phải đi chăn trâu rẽ cho người khác. Vợ chồng gom góp đến nay cũng có được vài con trâu. Nhờ trâu có sức kéo khỏe nên dùng cày ruộng hay kéo thuê cho bà con chòm xóm trang trải qua ngày. Qua nhiều lứa sinh, đàn trâu nhiều dần lên, đến nay đã được 150 con. Nhờ nghề chăn trâu này mà vợ chồng tôi và 3 người con đều đã xây được nhà tầng khang trang”. Nhiều người nuôi trâu ở địa phương cho biết, trâu trên thị trường hiện đang rất được giá, người nuôi có lãi lớn. Một con trâu nghé 3 tháng tuổi có giá trên 5 triệu đồng, còn trâu thịt nặng khoảng 3 tạ có giá khoảng 21 triệu đồng. Hiện có rất nhiều thương lái mua trâu để xuất ra Hải Phòng hay TP Hồ Chí Minh.
Trong thời điểm người chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như giá thức ăn tăng mạnh, dịch bệnh diễn biến phức tạp… thì nuôi trâu đàn đang được nhiều nông dân lựa chọn. Theo nhiều người chăn nuôi có thâm niên trong nghề, so với bò, trâu dễ nuôi hơn vì có sức khỏe tốt nên ít bị bệnh dịch. Ông Võ Quốc Phòng ở thôn Mậu Lâm Nam, nói: “Gia đình tôi nuôi trâu nay đã 10 năm nhưng chưa bao giờ thấy trâu bị các bệnh nặng và đại trà như bò. Ở trâu chỉ thường xuất hiện bệnh lác da, nếu chúng được tắm thường xuyên ở ao hồ thì sẽ tránh được loại bệnh này”. Tuy nhiên, nghề nuôi trâu đàn khá tốn công sức vì người nuôi phải đưa trâu đến các vùng núi, nơi có nước và nhiều cỏ để chăn thả nên phải thường xuyên vắng nhà. Anh Lê Văn Vận ở thôn Quang Hưng cho biết: “Để đảm bảo đủ thức ăn cho đàn trâu hơn 80 con, tôi phải thường xuyên đưa chúng đi chăn ở những địa phương có diện tích đồng cỏ lớn như Sông Hinh, Sơn Hòa, có khi phải đưa vào tận Ninh Thuận. Tôi chỉ được ở nhà vào 2 thời điểm trong năm, đó là lúc người dân vừa cắt lúa xong, đàn trâu được đưa về ăn ở đồng”.
Ông Nguyễn Văn Lành, Chủ tịch UBND xã Hòa Quang Nam cho biết: “Hiện ở địa phương có khoảng 30 gia đình có thu nhập chính từ nghề chăn nuôi trâu đàn này, hơn chục hộ nông dân xây được nhà tầng kiên cố và rất nhiều gia đình thoát nghèo, có cuộc sống ổn định nhờ chăn nuôi trâu. UBND xã đã tạo nhiều điều kiện để khuyến khích bà con nông dân phát triển mạnh nghề chăn nuôi trâu”.
Thấy được hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi trâu nên nhiều nông dân của địa phương và các xã lân cận đã làm theo. Xã Hòa Quang Bắc hiện có khoảng 10 hộ dân đang chuyển sang nuôi trâu sinh sản và vỗ béo, xem đây là hướng phát triển mới cho ngành chăn nuôi.
TUYẾT HƯƠNG