Thực hiện Nghị quyết số 11/2011 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh các hoạt động liên quan đến giao dịch ngoại tệ của các tổ chức tín dụng. Qua đó, tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng, chuyển dần quan hệ “huy động - cho vay” sang quan hệ “mua - bán” ngoại tệ.
Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại một ngân hàng ở Phú Yên - Ảnh: Q.THUẦN |
Thống kê của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Phú Yên, huy động vốn ngoại tệ, vàng quy đổi sang VND của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 830 tỉ đồng, tăng 26% so với đầu năm. Dư nợ cho vay bằng ngoại tệ đạt 330 tỉ đồng, tăng 51%, do lãi suất USD chỉ 7-8%, trong khi lãi suất vay VND 19-23%/năm nên nhiều doanh nghiệp chuyển qua vay USD.
Theo quy định Thông tư 07/2011 của Ngân hàng Nhà nước về cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, khách hàng được vay ngoại tệ để thanh toán nhập khẩu, hoặc vay để phục vụ xuất khẩu phải bảo đảm có ngoại tệ để trả nợ vay từ nguồn thu hoạt động sản xuất kinh doanh, thu từ xuất khẩu cho tổ chức tín dụng. Nếu vay bằng ngoại tệ để sử dụng trong nước, khách hàng phải bán số ngoại tệ đó cho tổ chức tín dụng cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (hai bên thực hiện mua – bán một lượng ngoại tệ theo tỉ giá giao ngay tại thơi điểm giao dịch và kết thúc thanh toán trong vòng hai ngày làm việc tiếp theo). Vay các vốn bằng ngoại tệ phục vụ các nhu cầu khác thì phải được chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước. Đối với việc huy động ngoại tệ của các tổ chức tín dụng, Thông tư 14/2011 của Ngân hàng Nhà nước quy định: Từ ngày 2/6, các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất huy động vốn tối đa bằng USD đối với tổ chức (trừ tổ chức tín dụng) là 0,5%/năm (giảm 0,5%); lãi suất huy động vốn tối đa bằng USD đối với cá nhân là 2,0%/năm (giảm 1%). Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng điều chỉnh tỉ lệ dự trữ bắt buộc đối với ngoại tệ của các tổ chức tín dụng kể từ tháng 6 tăng 1% so với tháng 5. Cụ thể, tiền gửi dưới 12 tháng tỉ lệ dự trữ bắt buộc là 7%, từ 12 tháng trở lên là 5% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc. Riêng Ngân hàng NN-PTNT (Agribank), Quỹ Tín dụng nhân dân vốn huy động kỳ hạn dưới 12 tháng là 6%, từ 12 tháng trở lên là 4% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc. Theo ông Nguyễn Ngọc Khố, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Phú Yên, việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 07 là nhằm kiểm soát tín dụng ngoại tệ, hạn chế vay vốn bằng ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục các mặt hàng nhập khẩu không thiết yếu, hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 11.
Trước động thái này của Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn Phú Yên nhận định: Thông tư 07 đã loại bỏ ba trường hợp doanh nghiệp được vay ngoại tệ so với trước. Đó là vay để trả nợ nước ngoài trước hạn, vay đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, vay thực hiện các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh và dịch vụ xuất khẩu. Việc giảm lãi suất huy động USD, tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc sẽ khó thu hút người gửi, đồng thời tác động trực tiếp đến nguồn vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng. “Lãi suất cho vay ngoại tệ sẽ tăng trong thời gian tới, kéo theo đó là tăng trưởng tín dụng ngoại tệ bị hạn chế, nhưng bù lại tăng khả năng phòng ngừa rủi ro của các tổ chức tín dụng. Với những quy định nghiêm ngặt này của Ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp có nhu cầu ngoại tệ chỉ còn “một cửa” là giao dịch theo hình thức hối đoái giao ngay. Thực chất đây là quan hệ mua - bán ngoại tệ giữa tổ chức tín dụng với khách hàng, chứ không phải quan hệ huy động - cho vay”, giám đốc một tổ chức tín dụng ở TP Tuy Hòa (xin không nêu tên) nói.
NGUYỄN QUANG