Những năm gần đây, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, phá rừng làm rẫy ở huyện Sơn Hòa diễn biến phức tạp, trong khi công tác quản lý, bảo vệ rừng ở địa phương này còn nhiều thách thức.
Một mảng rừng ở Sơn Hòa bị phá để trồng sắn. - Ảnh: P.NAM
TỪ THỰC TRẠNG…
Hai năm trở lại đây, giá một số hàng nông sản tăng cao khiến người dân tăng cường phá rừng mở rộng diện tích đất sản xuất. Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trong 2 năm (2009-2010), toàn tỉnh đã xảy ra 460 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, cơ quan chức năng tịch thu hơn 200m3 gỗ, phạt tiền hơn 1,1 tỉ đồng. Cũng theo cơ quan này, hiện nay, tổng diện tích đất rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để trồng sắn, mía lên đến hơn 8.700ha, trong đó diện tích đất rừng bị mất hơn 5.100ha, nhiều nhất là huyện Sơn Hòa (2.516ha), Sông Hinh (2.346ha); diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp (chưa có rừng) bị lấn chiếm gần 3.600ha, trong đó Sơn Hòa 1.586ha, Sông Hinh 1.030ha. Ở huyện Sơn Hòa, diện tích mía tăng từ khoảng 8.500ha năm 2010 lên gần 9.000ha năm 2011; trung bình một tuần có trên dưới 10 vụ phá rừng làm rẫy, chủ yếu là khu vực rừng đặc dụng Krông Trai và lòng hồ thủy điện Sông Ba Hạ. Đến thời điểm này, diện tích sắn toàn tỉnh đã tăng lên khoảng 18.000ha, vượt gần 4.000ha so với quy hoạch phát triển cây sắn đến năm 2015. Thực tế này diễn ra ở hầu hết các huyện miền núi, đang phá vỡ quy hoạch một số loại cây trồng.
Theo Chi cục Kiểm lâm, thời gian gần đây, tại rừng đặc dụng Krông Trai và Đèo Cả; khu vực giáp ranh giữa Sơn Hòa với các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk thường xuất hiện tụ điểm phá rừng, đào đá đãi vàng trái phép… xâm hại đến tài nguyên rừng, ảnh hưởng môi trường sinh thái. Chi cục Kiểm lâm tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng, không phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, đồng thời truy quét, ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.
…ÐẾN BẢO VỆ, PHÁT TRIỂN RỪNG
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc cho biết: “Tỉnh đang chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục mọi đối tượng trong xã hội về tầm quan trọng của rừng và môi trường, kịp thời ngăn chặn nguy cơ suy thoái, giảm đa dạng sinh học rừng, đồng thời loại trừ những mối đe dọa chính đối với rừng và khuyến khích các tổ chức, cá nhân có những giải pháp tích cực trong bảo vệ, phát triển rừng; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, cộng đồng dân cư trong việc tham gia giám sát bảo vệ môi trường, trong đó tích cực triển khai thực hiện Kế hoạch hành động bảo vệ Khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai huyện Sơn Hòa”.
Huyện Sơn Hòa có tổng diện tích tự nhiên hơn 95.200ha, đất rừng chiếm hơn 57%, chủ yếu là rừng đặc dụng và đầu nguồn. Nhận thức rõ vai trò đặc biệt quan trọng của rừng trong việc tích trữ nước các dòng sông, cung cấp một lượng lớn nước cho sinh hoạt, sản xuất, duy trì độ phì nhiêu cho đất và điều chỉnh các tác động tiêu cực của thời tiết…, địa phương này đã triển khai các giải pháp bảo vệ, phát triển rừng. Từ năm 2005-2010, Sơn Hòa đã phát triển gần 1.300ha rừng tập trung và trồng trên 10 triệu cây phân tán, từng bước nâng độ che phủ rừng theo yêu cầu đặt ra. Ông Lê Thanh Lai, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, nói: “Ở huyện miền núi, rừng có giá trị rất lớn đối với cuộc sống nhân dân và môi trường. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do lợi ích trước mắt, việc khai thác gỗ, phát rừng làm rẫy trái phép diễn ra khá phổ biến, dẫn đến nhiều khu rừng tự nhiên bị tàn phá, đa dạng sinh học suy giảm trầm trọng. Hàng năm, các ngành chức năng của huyện đã kiểm tra, xử lý hàng trăm vụ vi phạm, chủ yếu là khai thác, phát đốt rừng làm rẫy”.
Để hạn chế tình trạng này, yêu cầu đặt ra cho địa phương là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ rừng và đa dạng sinh học, về nguyên nhân, tác hại của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và lợi ích do rừng mang lại; hình thành ý thức tự giác để từ đó người dân tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, trồng và phòng chống, chữa cháy rừng, bảo vệ các loài động thực vật hoang dã. Huyện Sơn Hòa đang khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia vào các chương trình, dự án bảo vệ môi trường, trong đó chú trọng đến trồng và khoanh nuôi, bảo vệ rừng; đẩy mạnh việc giao đất rừng đến từng hộ gia đình, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để người tham gia thật sự trở thành chủ nhân, từ đó có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ và phát triển rừng.
Ông Lê Thanh Lai cho biết thêm: “Sự hưởng ứng của cộng đồng là mấu chốt, nhằm thay đổi hành vi tiêu cực, hướng tới mục tiêu từng bước tạo ra môi trường trong sạch và phát triển bền vững. Huyện đang củng cố, nâng cao năng lực, trách nhiệm của các cơ quan chức năng và địa phương, đặc biệt là các tổ đội ở cơ sở làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, gắn với quy ước thôn buôn, đồng thời biểu dương khích lệ tinh thần các tổ chức, cá nhân làm tốt công tác này”.
PHƯƠNG