Thứ Tư, 02/10/2024 09:44 SA
Thử tìm cơ hội phát triển bền vững cho cây sắn
Thứ Tư, 08/06/2011 18:00 CH

Từ khi nhà máy của Công ty cổ phần Chế biến tinh bột sắn Sông Hinh (FOCOCEV) được đầu tư xây dựng thì cũng là lúc cây sắn trên địa bàn huyện Sông Hinh khởi sắc. Giá sắn lên cao, sắn tươi được nhà máy mua lên đến 2.400 đồng/kg thì diện tích trồng sắn cũng nâng lên 5.000-6.000ha niên vụ 2010-2011.

 

San110608.gif

Nông dân xã Ea Trol (huyện Sông Hinh) cuốc cỏ, chăm sóc cây sắn - Ảnh: A.NGỌC

 

TÌM MÔ HÌNH TRỒNG SẮN HIỆU QUẢ

 

Hiện nay, theo nông dân, 1ha sắn trồng năm đầu thu được từ 15-20 triệu đồng, năm thứ hai còn 10-15 triệu đồng, năm thứ ba còn 5-10 triệu đồng, cho thấy cây sắn “càng trồng càng lỗ”. Về phía nhà máy, thấy nông dân trồng nhiều, diện tích tăng lên, giá sắn trên thị trường tăng cao, đầu ra, đầu vào đều thuận lợi nên cứ để cho nó diễn biến tự nhiên, việc đầu tư cho vùng nguyên liệu vì thế cũng chưa được quan tâm đúng mức. Còn Nhà nước, trong 3 năm gần đây, thu ngân sách trên địa bàn huyện luôn đạt và vượt chỉ tiêu dự toán được giao, trong đó phần đóng góp của Công ty FOCOCEV luôn chiếm tỉ trọng trên 50% trở lên.

 

Việc người dân thi nhau trồng sắn là có thật và đang diễn ra ồ ạt. Nhưng để phong trào trồng sắn này có hiệu quả, ổn định, bền vững, mang lại lợi nhuận cho cả “ba nhà” (Nhà nước - nhà máy - nhà nông) thì rất cần những thay đổi căn bản về tư duy canh tác và cách nhìn, cách nghĩ về cây sắn. Bản thân cây sắn không có lỗi. Chúng ta cứ nghĩ, sắn là cây phá đất. Vậy chúng ta trồng sắn có đầu tư phân bón, công chăm sóc bằng các cây trồng khác hay không? Hiện nay mỗi hécta mía, nhà máy đường đầu tư ban đầu hàng chục triệu đồng, chưa kể công, của người nông dân bỏ ra. Còn muốn có một hécta lúa nước ở huyện miền núi thì đầu tư xây dựng cơ bản ban đầu cũng rất lớn, vì phải thu hồi đất, đắp đập làm hồ, làm kênh mương, san ủi đồng ruộng... Có ruộng rồi, mỗi mùa vụ người nông dân lại phải cày bừa, sạ cấy, làm cỏ, bón phân năm lần bảy lượt mới được thu hoạch. Còn cây sắn, trồng xong coi như là đầu tư xong, đến vụ sau thu hoạch là bán. Với cách canh tác như vậy, thì làm sao đất đai chẳng chóng bạc màu và với cây sắn “càng trồng càng lỗ” là đương nhiên.

 

Tuy nhiên, hiện nay có nhiều mô hình trồng sắn xen canh, luân canh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Hoàng Văn Lịch ở khu phố 8, thị trấn Hai Riêng (Sông Hinh) có 2ha đất tại Suối Mây. Dù đất không được bằng phẳng lắm nhưng trong những năm qua anh đã áp dụng mô hình luân canh, xen canh giữa cây sắn, cây bắp, dưa lấy hạt và cây đậu đỏ rất có hiệu quả. Theo anh Lịch, diện tích đất trên được chia làm hai phần, một nửa trồng sắn xen canh cây dưa lấy hạt hoặc bắp, nửa còn lại trồng đậu đỏ và bắp. Năm đầu lãi vài ba chục triệu thì đến năm 2010 thu được 57 triệu đồng (sắn 30 triệu đồng, đậu đỏ 20 triệu đồng và bắp được 7 triệu đồng). Trừ chi phí, anh Lịch còn lãi một khoản kha khá. Anh Hoàng Văn Lịch rất vui mừng khi nghe tin Nhà nước sắp đầu tư mở con đường bêtông nối từ ĐT645 đến đập chính thủy điện Sông Ba Hạ, như vậy việc vận chuyển sản phẩm của gia đình và của nông dân vùng này với hơn 1.000ha cây trồng sẽ rất thuận tiện.

 

“BA NHÀ” CẦN LIÊN KẾT LẠI

 

Công ty FOCOCEV là nhà sản xuất chính đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng tạo ra ngành công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn huyện Sông Hinh, thì nhà máy cần có trách nhiệm với việc xây dựng và phát triển ổn định vùng nguyên liệu. Theo nông dân Sông Hinh, trong thời gian qua, Công ty FOCOCEV đã quan tâm đến phát triển vùng nguyên liệu nhưng chưa nhiều, công ty cần quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư cho vùng nguyên liệu như hỗ trợ về giống, quy trình cải tiến kỹ thuật về trồng, chăm sóc làm cỏ, bón phân cho cây sắn để người nông dân áp dụng; đồng thời áp dụng khoa học công nghệ hiện đại vào các quy trình sản xuất để nâng cao hiệu quả các sản phẩm từ quy trình sản xuất kinh doanh, chú trọng đến đầu vào, đầu ra cho sản phẩm của cây sắn được ổn định để nông dân an tâm sản xuất. Nhà nông trực tiếp trồng cây sắn, nhưng hầu như chưa áp dụng khoa học kỹ thuật, chủ yếu là làm theo kinh nghiệm “xưa bày nay làm”, ít tái đầu tư cho cây sắn, dẫn đến tình trạng đất đai mau bị bạc màu, năng suất ngày càng giảm. Nhưng để nhà nông thay đổi tư duy về cách trồng sắn, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc trồng và chăm sóc để mang lại hiệu quả cao mà vẫn bảo tồn được đất đai thì hầu như chưa ai làm được.

 

Nhà nước với chức năng quản lý, điều tiết vĩ mô nền kinh tế, đề ra các chủ trương đường lối, kế hoạch, định hướng quy hoạch vùng nguyên liệu cho nhà máy và có trách nhiệm yêu cầu các cơ quan chức năng chuyên môn phối hợp với nhà máy sắn để tập huấn, phổ biến các biện pháp khoa học kỹ thuật, thâm canh tăng năng suất cây sắn, luân canh, xen canh giữa các loại cây trồng ngắn ngày với nhau hoặc giữa cây ngắn ngày và cây dài ngày, kết hợp lấy ngắn nuôi dài. Nhà nước với vai trò của mình có thể trích một phần kinh phí từ nguồn thu để triển khai những đề án mang tính khoa học như nghiên cứu chuyên sâu về cây sắn, thâm canh tăng năng suất trên một diện tích mà không làm cho đất bạc màu để tuyên truyền cho người nông dân biết mà sản xuất. Nếu “ba nhà” cùng chung tay, đồng tâm, đồng sức liên kết lại thì tương lai của cây sắn vẫn rất sáng sủa ở huyện Sông Hinh nói riêng và ở Phú Yên

 

ĐƯỜNG VỊNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek