Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng huy động vốn của toàn hệ thống ngân hàng cả nước đạt 1,48%, trong đó vốn VND giảm 2,75% nhưng ngoại tệ tăng 18,84%. Ngược lại, tiền gửi dân cư tăng tới 11,84%, trong đó VND tăng 11,39% và ngoại tệ tăng 8,63%.
Còn tại Phú Yên, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết, huy động vốn của các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh đến cuối tháng 5/2011 đạt 5.237 tỉ đồng, tăng 134 tỉ đồng so với cuối năm 2010. Do đó, mặc dù tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm 242 tỉ đồng nhưng nhờ tiền gửi từ khu vực dân cư tăng 341,5 tỉ đồng (tăng 8,86%) nên mức tăng trưởng tiền gửi tiết kiệm trên địa bàn tỉnh vẫn tăng 2,6%, tức là cao hơn mức tăng trưởng huy động vốn tiền gửi tiết kiệm của hệ thống ngân hàng cả nước (1,48%). Huy động vốn bằng VND giảm ở khu vực tổ chức kinh tế do các doanh nghiệp rút tiền để sản xuất kinh doanh. Điều này là hoàn toàn lành mạnh vì nhờ nguồn vốn đó, giá thành sản phẩm của doanh nghiệp giảm, thanh khoản của nền kinh tế được cải thiện. Đáng chú ý, riêng tiền gửi bằng ngoại tệ trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây tăng cao với mức tăng trưởng 25,38%, do trước đây tỉ giá ngoại tệ ngoài thị trường tự do cao hơn ngân hàng nên người dân có tâm lý tích trữ, khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Chỉ thị 01/2011/CT-NHNN về chính sách điều hành tỉ giá linh hoạt thì giá đồng USD ngoài thị trường xuống thấp, nên ngân hàng “hút” được tiền gửi ngoại tệ của người dân. Điều này cho thấy chính sách giảm tổng cầu và các giải pháp điều hành về lãi suất, tỉ giá đang có hiệu ứng tích cực, thể hiện ở chỗ dòng tiền gửi từ dân cư đang chảy vào ngân hàng, góp phần cải thiện tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Ngược lại, nếu dòng vốn trên không đưa vào hệ thống ngân hàng mà lưu thông trên thị trường thì sẽ còn tác động tiêu cực hơn nữa đến giá cả hàng hóa thị trường, làm gia tăng lạm phát.
Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cũng ghi nhận, trong khi tại các thành phố lớn, đã có tình trạng “xé rào” trong việc huy động tiền gửi vượt trần lãi suất 14%/năm thì các tổ chức tín dụng trên địa bàn Phú Yên đã thực hiện nghiêm việc huy động tiền gửi tiết kiệm theo lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định.
Về dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh, đến cuối tháng 5/2010 đạt 8.763 tỉ đồng, tăng 816 tỉ đồng so với cuối năm 2010, tức tăng 10,28%; trong đó VND tăng 1,38%, tiền ngoại tệ tăng 51%, nhưng cũng chỉ mới đáp ứng khoảng 60% nhu cầu vay vốn của các tổ chức kinh tế và nhân dân. So với mức tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng trong cả nước là 6,2% thì ở Phú Yên có mức tăng cao hơn nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, nếu duy trì mức tăng như hiện nay mà không có giải pháp kiềm chế thì khả năng tăng trưởng tín dụng của tỉnh vào cuối năm có thể vượt qua 20% là mức cần khống chế theo tinh thần thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ.
Trong bối cảnh đất nước gặp khó khăn, các tổ chức tín dụng cần thể hiện trách nhiệm “đồng cam cộng khổ”, thực hiện nghiêm túc những giải pháp điều hành của Chính phủ, chứ không vì lợi ích cục bộ mà “xé rào” gây mất ổn định thị trường tiền tệ.
MAI ANH