Thứ Tư, 27/11/2024 11:36 SA
Bảo vệ và phát triển nguồn lợi sò huyết đầm Ô Loan
Thứ Ba, 24/05/2011 13:00 CH

Sò huyết Ô Loan là một trong những đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao, mặt khác vật nuôi này còn là một đối tượng tham gia tích cực cải tạo môi trường sinh thái trong đầm. Vì vậy ngành chức năng và chính quyền địa phương cần xây dựng một kế hoạch lâu dài và có những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ, phát triển bền vững nguồn lợi sò huyết Ô Loan…

 

Những năm trước đây khi nói đến đầm Ô Loan, người ta thường nhắc tới món ăn đặc sản sò huyết. Tuy nhiên, từ năm 2006 đến 2010, nguồn lợi sò huyết ở đầm Ô Loan bị suy giảm. Trước tình trạng này, các cơ quan quản lý chuyên môn thường xuyên quán triệt và khuyến cáo bà con ngư dân xung quanh đầm khai thác sò huyết phải đạt cỡ 25mm trở lên đúng theo quy định. Mặt khác, thông qua các lớp tập huấn khuyến ngư, đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân ở ven đầm trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản nói chung và bảo vệ nguồn lợi sò huyết nói riêng, đồng thời trang bị kỹ thuật nuôi sò huyết cho bà con ngư dân. Năm 2005, UBND huyện Tuy An đã ban hành Quyết định 889 về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản đầm Ô Loan. Theo đó, địa phương này phân cấp và giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong đầm cho chính quyền các xã ven đầm. Thêm vào đó, từ năm 2010, Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên đã triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi sò huyết đầm Ô Loan”. Với các biện pháp quản lý được triển khai nêu trên, đã góp phần làm cho nguồn lợi sò huyết đầm Ô Loan được phục hồi đáng kể. Gần đây, sò huyết xuất hiện và phân bố nhiều khu vực trong đầm, sản lượng thu hoạch tăng lên…

 

Công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi sò huyết đầm Ô Loan được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, gắn bó mật thiết với cuộc sống bà con ngư dân ven đầm. Thiết nghĩ, ngoài những giải pháp đã thực hiện, các cơ quan chức năng cần phối hợp với chính quyền địa phương các cấp ở huyện Tuy An tiến hành điều tra, đánh giá mức độ phục hồi của nguồn lợi sò huyết đầm Ô Loan. Trên cơ sở đó, không chỉ dừng lại ở đề tài nghiên cứu xây dựng mô hình như đã thực hiện, mà mạnh dạn đề xuất Nhà nước cho triển khai thực hiện dự án bảo vệ và phát triển nguồn lợi sò huyết đầm Ô Loan, với tầm tác động trên diện rộng, quy mô lớn hơn. Đồng thời chính quyền các cấp ở huyện Tuy An cần triển khai mô hình tổ tự quản trong bảo vệ, phát triển, khai thác nguồn lợi sò huyết ở các địa phương ven đầm. Xây dựng, ban hành quy chế về hoạt động của các tổ tự quản, xác định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan liên quan cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ cụ thể của người dân được hưởng lợi. Đặc biệt, phải quy định cụ thể về cỡ sò và mùa vụ được phép khai thác, cấm khai thác sò vào mùa sinh sản (từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm). Có cơ chế chính sách phù hợp, khuyến khích ngư dân ven đầm và các tổ chức, đơn vị đầu tư nuôi sò huyết, có như vậy việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi sò huyết mới thực sự bền vững. Từ đó, người dân ven đầm Ô Loan có thể làm giàu từ nguồn lợi sò huyết, tạo thêm cơ hội cho du khách đến Phú Yên tham quan danh lam thắng cảnh đầm Ô Loan và thưởng thức món ăn đặc sản này.

 

Kỹ sư NguyỄn KhẮc Tân

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek