Ngày 22-9-2006, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ký ban hành Nghị định số 108 về việc Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư. Như vậy, Nghị định quan trọng nhất của Luật Đầu tư đã được ban hành trong tháng 9 đúng như dự kiến, tuy nhiên đã bị chậm gần 3 tháng tính từ thời điểm Luật Đầu tư có hiệu lực.
SẼ CÓ TỔ THI HÀNH LUẬT ĐẦU TƯ
Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH - ĐT), Nghị định ban hành là một bước quan trọng nhằm thể chế hoá các hướng dẫn và chi tiết của Luật Đầu tư; tạo ra quy trình thủ tục hành chính đơn giản và công khai quá trình liên quan đến quá trình đầu tư. Nghị định cũng bám sát những vấn đề yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là những yêu cầu cam kết trong các hiệp định WTO.
Lãnh đạo Bộ KH - ĐT cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sẽ thành lập Tổ công tác thi hành Luật Đầu tư. Đây là một hình thức như Tổ thi hành Luật Doanh nghiệp trước đây. Bộ trưởng Bộ KH - ĐT sẽ làm tổ trưởng, có sự tham gia của các bộ ngành khác. Trong tổ này sẽ có một bộ phận thường trực theo dõi các vấn đề liên quan đến triển khai Luật trong thực tế..
Sau khi Luật Đầu tư được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005 và có hiệu lực từ 1-7-2006, Chính phủ đã giao cho Bộ KH - ĐT soạn thảo các nghị định hướng dẫn thi hành luật, trong đó quan trọng nhất là Nghị định hướng thi hành một số điều Luật Đầu tư. Các nghị định gồm: Nghị định về đầu tư theo hình thức BOT, BTO hay BOO; Nghị định Đầu tư ra nước ngoài hay Nghị định về chuyển đổi DN nước ngoài theo luật mới...
Quá trình xây dựng Nghị định này đã qua nhiều lần soạn thảo, lấy ý kiến của doanh nghiệp và chuyên gia. Tiếp đó, trong các ngày từ 26 - 28/8 Chính phủ đã họp và đích thân Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp xem xét từng vấn đề cụ thể. Sau đó, dự thảo đã được chỉnh lý lại để trình ban hành.
ĐỘT PHÁ PHÂN CẤP ĐẦU TƯ
Điểm đáng chú ý nhất là nội dung Nghi định thể hiện sự đột phá lớn trong việc phân cấp cấp phép và quản lý đầu tư. Trước đây các dự án liên quan đến đầu tư nước ngoài do Bộ KH - ĐT thẩm định và cấp phép đầu tư, nhiều dự án phải trình Chính phủ xem xét. Cách làm này dẫn đến tình trạng Thủ tướng Chính phủ cũng phải xem xét từng dự án cụ thể. Cơ quan nhà nước can thiệp sâu vào hoạt động nhà đầu tư, trong khi thẩm định của các Bộ ngành nhiều khi không sát.
Đến Nghị định lần này, Nhà nước đã phân cấp triệt để cho các địa phương. Cụ thể UBND tỉnh thành. Ban quản lý các KCN - KCX được cấp phép tối đa các dự án nằm trong quy hoạch.
Theo Bộ KH - ĐT, chủ trương phân cấp nằm trong tổng thể về cải cách hành chính nói chung. Thực tiễn gần 20 năm qua cho thấy UBND các tỉnh thành là nơi gần gũi nhất với hoạt động đầu tư. Đây là nơi sát với DN, nắm các nguồn lực liên quan đến đầu tư bao gồm: đất đai, lao động, các hoạt động kiểm tra, giám sát và bảo vệ lợi ích nhà đầu tư và người lao động cũng như giải quyết các vướng mắc của các nhà đầu tư.
Vì vậy, phân cấp cho các địa phương là một nhu cầu cần thiết, tăng cường cơ chế một cửa, một đầu mối và tại chỗ đối với công tác đầu tư. Bên cạnh đó, việc phân cấp cho địa phương cấp phép là một bước chuyển hoạt động quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Công tác quản lý, kiểm tra sau cấp phép mới là quan trọng hơn chứ không phải kiểm tra thẩm định.
Một điểm khác nữa là nếu trước đây, trong quá thẩm định các bộ ngành phải xem xét cả khả năng tài chính của nhà đầu tư ra sao, vốn bao nhiêu, cam kết bảo lãnh thế nào... thì sau khi luật đầu tư mới thì việc thẩm tra đơn giản hơn. Việc thẩm định chỉ tập trung vào những quy hoạch cứng như liên quan đến phát triển đô thị, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái. Còn những vấn đề như quy hoạch sản phẩm trước đây phải xem xét thì nay đều do nhà đầu tư, các cơ quan nhà nước không can thiệp.
Việc phân cấp này cũng có ý nghĩa quan trọng giúp các bộ các ngành có thời gian đi vào xây dựng chính sách pháp luật quản lý về vĩ mô; đưa ra những chính sách, tiêu chí về mặt kỹ thuật để điều hành. Ví dụ, nếu trước đây có những vấn đề phải đi thẩm tra cụ thể để cấp phép thì nay chỉ cần ban hành các tiêu chuẩn để DN đáp ứng và cơ quan nhà nước theo đó để quản lý. Ngoài ra, việc phân cấp cho các địa phương dần dần sẽ giúp giải quyết xóa bỏ vấn đề "Bộ chủ quản". Đảm bảo DN là một thực thể độc lập, khi đã được đăng ký thành lập và thừa nhận về mặt luật pháp thì không phụ thuộc vào bộ ngành nào.
Riêng đối với những dự án mà Thủ tướng Chính phủ phải cho ý kiến trong các lĩnh vực như xây dựng cảng hàng không, kinh doanh cảng biển hay casino... thì Thủ tướng cũng không cần phải xem xét cụ thể như hiện nay. Những dự án nào không nằm trong quy hoạch hoặc chưa có quy hoạch nhưng có tác động đến kinh tế xã hội cần đưa vào phát triển thì phải trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến. Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ cần xem xét cho ý kiến đồng ý hay không chứ không cần đi sâu vào từng dự án cụ thể.
Theo VNN