Gần một tháng qua, người dân nuôi tôm trên đầm Ô Loan (huyện Tuy An) lại điêu đứng nhìn cảnh tôm chết hàng loạt, nổi trắng mặt đầm. Người thiệt hại ít nhất ở mức trên dưới 10 triệu đồng, nhiều thì lên đến vài chục triệu. Không ít hộ vay mượn bên ngoài để tiếp tục thả tôm giống với hy vọng gỡ gạc, trang trải nợ nần.
Ông Phạm Hưng ở thôn Phú Tân 1 (xã An Cư, huyện Tuy An) thơ thẩn trên mặt đìa không còn một con tôm. - Ảnh: P.NAM
BIẾT THUA... VẪN CỨ LÀM
Không khí ở đầm Ô Loan những ngày này thật buồn tẻ. Không còn cảnh những chiếc xuồng câu bồng bềnh và tiếng những chủ đìa í ới gọi nhau khoe trúng mùa hải sản như mọi năm. Ông Phạm Hưng ở thôn Phú Tân 1 (xã An Cư, huyện Tuy An), người đã nuôi tôm gần 30 năm ở vùng này, nói với giọng chán chường: “Gần 10 năm nay, mỗi khi thả tôm giống xuống đìa, mọi người luôn thấp thỏm lo lắng, ăn không ngon, ngủ không yên, vì không biết kết cục có thu được vốn hay mất”. Từ đầu tháng 2/2011, ông Hưng vay ngân hàng 10 triệu đồng, thả 20 vạn tôm sú trên diện tích đìa 3.000m2. Tuy nhiên chỉ một tháng sau, tôm chết sạch. Để gỡ gạc, ông Hưng đánh liều thả thêm 20 vạn con giống mới. Lần này, tôm lại chết nổi trắng đìa mà không có dấu hiệu bệnh dịch. Ông Hưng thiệt hại gần 20 triệu đồng. Cùng cảnh ngộ với ông Hưng là các hộ ông Trương Thông, Phan Sen, Phan Đanh, Nguyễn Thị Đủn (cùng ở thôn Phú Tân 1, xã An Cư). Với diện tích đìa 3.000-7.000m2, những hộ này thả nuôi hàng chục vạn tôm giống, chủ yếu là tôm sú, trong đó có hộ đã thả lại từ 2-3 lần nhưng đều thất bại. Ông Phạm Hưng cho biết thêm: “Khoảng hai tuần trở lại đây, không chỉ tôm trong đìa mà một số loài hải sản ngoài đầm cũng chết, nhiều nhất là tôm sú và tôm đất. Nhiều hộ canh chừng khi tôm vừa nổi là vớt ngay đem ra chợ bán vớt vát với giá 30.000-40.000 đồng/kg, trong khi tôm trưởng thành có giá 140.000-200.000 đồng/kg tùy theo chủng loại”.
Ông Huỳnh Thi, nguyên Trưởng thôn Phú Tân 1, xã An Cư, cho hay: “Đầu vụ tôi thả nuôi 47 vạn con giống trên diện tích 8.000m2; một tháng sau, tôm chết sạch, mất trắng gần 20 triệu đồng. Sau khi xử lý hồ, tôi tiếp tục thả 30 vạn, tôm vẫn chết. Giờ chúng tôi đang chờ gió nam xuống mới dám thả tiếp”. Theo ông Thi, đây là năm tôm chết hàng loạt có hiện tượng lạ nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Một số hộ có đìa nuôi bị ảnh hưởng cho hay, tôm đang trong tình trạng kiệt quệ, chỉ cần vớt lên rồi thả xuống là lập tức phơi bụng trên mặt nước và chết ngay sau đó vài phút.
ÐÂU LÀ NGUYÊN NHÂN?
Tình trạng tôm nói riêng, thủy sản nói chung ở đầm Ô Loan chết hàng loạt đã diễn ra nhiều năm qua. Theo nhiều ngư dân, trong vòng 10 năm trở lại đây, hầu hết người nuôi tôm trên đầm Ô Loan đều thua lỗ hoặc hòa vốn, số hộ có lãi không đáng kể. Ông Phạm Hưng nói: “Riêng đầu vụ năm nay, tôm bỗng dưng chết hàng loạt có thể là do nước biển dâng, trong khi đó nước trong đầm bị ô nhiễm, khiến tôm bị sốc đột ngột dẫn đến chết hàng loạt. Mặt khác, vào mùa mưa, rác, chất thải từ các nơi theo dòng nước đổ về đầm Ô Loan và các phế phẩm, nước thải sau chế biến thủy hải sản, đặc biệt là sứa, gây ô nhiễm nặng. Trong khi đó, cửa biển An Hải lại bị bồi lấp gần 50%, chỉ còn lại khoảng 30m, làm hạn chế lưu thông nguồn nước đầm với biển”. Còn theo ông Huỳnh Thi, tôm chết là do thời tiết lạnh, đột ngột chuyển sang nắng gắt, mực nước trong đầm không đủ để dung hòa nhiệt làm cho tôm bị nóng mà chết…
Lâu nay, hầu hết các hộ nuôi tôm trên đầm Ô Loan đều sử dụng con giống trôi nổi trên thị trường, chưa qua kiểm dịch, khả năng đề kháng bệnh và thích ứng với sự biến động của thời tiết, môi trường kém. Nhiều ngư dân cho biết, hiện giá tôm giống trôi nổi chỉ khoảng 200.000 đồng/vạn, trong khi đó tại các trung tâm giống giá cao gấp hơn 3 lần (trên 700.000 đồng/vạn). Đây là lý do người nuôi tôm chọn giải pháp “cầu may”. Ông Hưng phân bua: “Dù biết con giống qua kiểm dịch chất lượng tốt, độ an toàn cao, nhưng vì thiếu vốn do thua lỗ liên tiếp, mà ngân hàng chỉ cho vay 10 triệu đồng/hộ với lãi suất 1,6%/năm, nên đành phải chấp nhận vì không còn cách nào khác. Thôi thì làm liều, “được ăn cả, ngã về không”.
Tôm chết trắng đìa không rõ nguyên nhân ở xã An Cư và An Ninh Đông (huyện Tuy An) đang đẩy nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần. Ngoài giải pháp tiếp tục thả cầu may, không ít hộ phải đi vớt rong câu trên đầm để gỡ gạc, bù đắp khoản thua lỗ và trả lãi ngân hàng. Sau nhiều lần liên tiếp xử lý hồ, thay con giống mới nhưng đều thất bại, hầu hết ngư dân nuôi tôm sú đen ở xã An Cư và An Ninh Đông đã bỏ trắng đìa, do không còn vốn và không dám mạo hiểm.
PHƯƠNG