Thứ Sáu, 29/11/2024 23:36 CH
Giá thức ăn tăng cao:
Người chăn nuôi gặp khó
Thứ Tư, 13/04/2011 14:00 CH

Giá các loại thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao cộng với thời tiết, dịch bệnh diễn biến thất thường khiến người chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy hải sản gặp nhiều khó khăn.

 

thuc-an-110413.jpg

Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. - Ảnh: N.XUÂN

 

GIÁ LIÊN TỤC TĂNG CAO

 

Thời gian qua, giá các loại thức ăn gia súc, gia cầm liên tục tăng cao, cộng thêm dịch bệnh xảy ra trên các đàn vật nuôi, trong khi “đầu ra” của sản phẩm tăng không đáng kể khiến người chăn nuôi gặp không ít khó khăn. Bà Nguyễn Thị Tuyết, chủ cửa hàng thức ăn chăn nuôi Tuyết Dũng ở TP Tuy Hòa, cho biết: “Từ tết đến nay, các nhà sản xuất đã có 5 đợt điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi, 3 đợt điều chỉnh giá thức ăn hải sản, mỗi đợt tăng từ 5 đến 10%. Tính ra trung bình mỗi đợt, giá thức ăn chăn nuôi tăng 300 đồng/kg, thức ăn hải sản tăng 1.000 đồng/kg. Mỗi vụ chăn nuôi, nông dân phải mua hàng trăm kilogam, thậm chí hàng chục tấn thức ăn nên chi phí đội lên rất cao. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến việc chăn nuôi của bà con nông dân, vốn chủ yếu “lấy công làm lời”.

 

Không chỉ thức ăn mà giống, thuốc chữa bệnh, thuốc xử lý ao hồ, chuồng trại cũng tăng giá khá mạnh. Tôm giống giá từ 58 đồng/con tăng lên 70-72 đồng/con. Thuốc chữa bệnh trong chăn nuôi các loại đã qua 2-3 lần tăng giá, mỗi lần tăng khoảng 10%. Cá biệt, một số thuốc xử lý ao đìa ST1 của hãng AND Bình Dương từ 312.000 đồng/can lên 468.000 đồng/can 4 lít. Trong khi đó, dịch bệnh xảy ra, giá thành sản phẩm tăng không đáng kể khiến nhiều hộ chăn nuôi chán nản, bỏ nghề. Một số hộ tạm ngừng chăn nuôi, trả thức ăn lại cho đại lý.

 

Theo bà Tuyết, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi ở nước ta, từ các loại đậu tương, bột mì, bột bắp đến các loại
vitamin, khoáng chất, chất tạo mùi… phần lớn là nhập khẩu nên giá tăng theo giá thế giới. Các công ty vừa thông báo vài ngày nữa sẽ có một đợt tăng giá mới cả về thức ăn gia súc lẫn thức ăn, thuốc thủy sản với mức tăng khoảng 10% trên mỗi sản phẩm.

 

NGƯỜI CHĂN NUÔI THÊM KHÓ

 

Hiện nay, phần lớn các hộ nuôi heo, gà ở một số nơi đã bỏ nghề vì giá thức ăn tăng quá cao, trong khi rủi ro ngày càng lớn do dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp. Theo một số hộ chăn nuôi, từ đầu năm đến nay, trong khi giá thức ăn, thuốc chữa bệnh tăng 30-35% thì giá thành phẩm chỉ tăng từ 5-15% nên người chăn nuôi phải chịu lỗ hoặc may lắm là hòa vốn. Ông Trần Hữu Nhi ở phường 9, (TP Tuy Hòa) cho biết: “Nhà tôi nuôi vài con heo để có thêm thu nhập nhưng sau lứa heo này tôi không nuôi tiếp do thức ăn quá đắt. Tiền cám, gạo… cho heo cái gì cũng tăng. Nuôi được bầy heo đến khi xuất chuồng, nếu chúng không bị bệnh tật gì thì mới có ít đồng lời. Nhưng nay giá thức ăn quá cao, lời không được bao nhiêu trong khi tốn rất nhiều khoản tiền thuốc men, phòng ngừa dịch bệnh…, coi như hòa vốn. Không chỉ gia đình tôi, nhiều người nuôi heo trong xóm cũng chán nản, phần nhiều đã bỏ chuồng để làm việc khác”.

 

Còn bà Lê Thị Hương, chủ cơ sở ấp trứng Sinh Hương, ở phường 8 (TP Tuy Hòa) tính toán: “Cơ sở chúng tôi nuôi 4.000 con gà, riêng tiền thức ăn đã lên đến 150 triệu đồng/tháng, tăng 30 triệu đồng so với trước tết. Tính ra, chi phí đầu tư thức ăn để có một quả trứng gà hiện nay lên đến 1.400-1.600 đồng. Trong khi đó, giá trứng chỉ dao động ở mức 1.800-2.200 đồng/trứng. Nhiều khi do thông tin dịch bệnh, giá trứng xuống thấp hơn thì coi như lỗ nặng. Giá “đầu ra” tăng không bao nhiêu so với mức tăng “đầu vào”, gây khó khăn rất lớn cho người chăn nuôi chúng tôi”.

 

Không chỉ người chăn nuôi heo, gà, vịt bị ảnh hưởng bởi việc tăng giá mà người nuôi tôm cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Ông Hoàng Anh ở xã Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa) tâm sự: “Một đìa tôm thẻ chân trắng 5.000m² thông thường đầu tư khoảng 400-450 triệu đồng là đủ. Nhưng vừa qua giá xăng dầu, con giống, thức ăn, thuốc chữa bệnh thủy sản tăng cao nên vụ tôm này tôi phải tốn thêm gần 100 triệu đồng. Nếu giá tôm ở mức 90.000 đồng/100 con như hiện nay thì còn có chút lời, chứ thấp hơn thì cầm chắc thua lỗ, trong khi khả năng rủi ro do dịch bệnh là rất lớn”. Ông Hoàng Anh cho biết thêm, vừa qua, phần lớn nông dân nuôi tôm ở xã Hòa Hiệp Trung lỗ vốn do tôm bị dịch bệnh, chết khá nhiều. Ngoài ra, nông dân phải chịu thêm áp lực từ lãi vay ngân hàng nên càng thêm phần khó khăn. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi vẫn đang trên đà tăng mạnh khiến người chăn nuôi thêm lo ngại cho một mùa chăn nuôi không ổn định.

 

PHẠM MINH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek