Sau gần một năm triển khai thực hiện, dự án di dãn dân, phát triển sản xuất nông lâm nghiệp Nguyên Xuân (xã Sơn Nguyên, Sơn Hòa) đã bộc lộ những bất cập buộc phải dừng lại. Từ đó đến nay, đã hai năm trôi qua dự án này vẫn “án binh bất động”. Trong khi đó, nhiều người dân tự đến, tự chọn đất khai hoang, lấy gỗ làm nhà gây khó khăn cho việc quản lý theo quy hoạch.
Thôn Nguyên Xuân là vùng đất khá màu mỡ, từ lâu đã có người sinh sống. Trước đây, vùng đất hẻo lánh này không được đầu tư, giao thông cách trở nên biến thành hoang hoá. Khu vực này có hơn 2.000 ha rừng tự nhiên và gần 500 ha đất đồng cỏ, cây bụi, được huyện Sơn Hoà lập dự án di dãn dân phát triển sản xuất nông lâm nghiệp nhằm khai thác tiềm năng của vùng đất này. Dự án được triển khai thực hiện trong 4 năm (2003- 2006) với tổng mức đầu tư hơn 11,7 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách 3,8 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, vốn đầu tư phát triển sản xuất trên 7 tỷ đồng do dân đóng góp và lồng góp các chương trình, dự án khác. Mục tiêu của dự án là di dãn 300 hộ dân gắn với phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, bao gồm bảo vệ 1.400 ha rừng, trồng mới 150 ha rừng, khai hoang đưa vào sản xuất 80 ha lúa, 120 ha màu, 450 ha cây công nghiệp ngắn ngày và chăn nuôi 1.400 con bò, 650 con heo.
Sau khi quy hoạch chi tiết của dự án được phê duyệt, tháng 10- 2003 huyện Sơn Hoà triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng. Tại khu quy hoạch dân cư, dự án đã làm được sáu giếng nước, hai phòng học, một phòng ở cho giáo viên và một trạm y tế với tổng kinh phí hơn 700 triệu đồng. Tháng 2- 2004, Ban quản lý dự án thông báo thủ tục tiếp nhận dân đến vùng dự án và đã có 110 hộ đăng ký xin đến lập nghiệp. Trong khi chờ UBND huyện ra quyết định điều động dân cư, từ tháng 3- 2004 nhiều hộ dân đã tự ý đến vùng dự án sinh sống. Đến nay, đã có 39 hộ với hơn 160 khẩu sinh sống, trong đó có 8 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với trên 40 khẩu. Trong quá trình triển khai dự án, Ban quản lý dự án chưa làm đầy đủ thủ tục về phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phương án tận thu lâm sản khu vực này (khi lập dự án điều này không đề cập đến) nên tháng 7- 2004, khi các ngành của tỉnh kiểm tra thực tế cho thấy quy mô của dự án là quá lớn có ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, đã yêu cầu dừng việc triển khai và lập lại dự án với quy mô phù hợp. Tháng 11- 2005, UBND huyện Sơn Hoà đã phê duyệt lại dự án với quy mô tiếp nhận 100 hộ, khai hoang trên diện tích 60 ha. Từ đó đến nay, Ban quản lý dự án đã nhiều lần gởi tờ trình đến các ngành liên quan của tỉnh xin giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án, song đến nay các thủ tục đó vẫn lòng vòng nên chưa thể tiếp tục thực hiện.
Trong hai năm qua, dự án di dãn dân Nguyên Xuân tiếp tục nảy sinh nhiều bất cập. Các hộ đến đây thi nhau vào rừng lấy gỗ dựng nhà, tự ý chọn khu vực đất tốt, thuận lợi cho việc canh tác để khai hoang xâm phạm vào tài nguyên rừng. Do chưa có quyết định giao đất của tỉnh nên huyện cũng không có cơ sở pháp lý để ra quyết định điều động dân cư đến vùng dự án, nên mặc dù tiền đã về kho bạc huyện nhưng cũng không thể giải ngân cấp cho các hộ đã đến lập nghiệp trên vùng đất mới theo tiêu chuẩn di dãn dân. Mặt khác, người dân đến đây chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên cũng chưa đủ điều kiện để có thể tiếp cận được các nguồn vốn vay đầu tư cho phát triển sản xuất. Các công trình trường học, trạm y tế được xây dựng từ cuối năm 2003 đến nay, vẫn đóng cửa bỏ không. Những tồn tại trên đang ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sinh hoạt của dân cư trong vùng dự án. Do vậy phần lớn hộ đang sinh sống tại đây vẫn còn cảnh hai quê, hết mùa sản xuất thì trở lại quê cũ.
Để dự án di dãn dân và phát triển sản xuất nông lập nghiệp Nguyên Xuân được tiếp tục thực hiện, Ban quản lý dự án cần phối hợp với ngành chức năng và chính quyền cơ sở nhanh chóng giải quyết những thủ tục cần thiết liên quan đến đất đai để ổn định sản xuất và đời sống người dân, tăng cường bảo vệ rừng, giao đất giao rừng cho hộ gia đình quản lý. Đây cũng là khu vực phát sinh nạn khai thác rừng trái phép chưa được ngăn chặn có hiệu quả.
NGUYÊN TRƯỜNG