Tàu thuyền đánh bắt hải sản, đặc biệt là nghề đánh bắt xa bờ có độ rủi ro rất cao. Do vậy, bảo hiểm tàu cá là “lá chắn tài chính” tốt nhất để giúp ngư dân chủ động khắc phục nếu có rủi ro xảy ra. Tuy vậy, hiện nhiều chủ tàu chưa thật “mặn mà” trong việc tham gia bảo hiểm tàu cá và thuyền viên. Trao đổi với Báo Phú Yên về vấn đề này, Phó Giám đốc Bảo Việt Phú Yên Nguyễn Hữu Thanh cho biết:
Mua bảo hiểm là tạo nguồn tài chính dự phòng khi tàu cá bị thiệt hại nặng do rủi ro hoặc thiên tai gây ra - Ảnh: N.LƯU
Mua bảo hiểm là tạo nguồn tài chính dự phòng khi tàu cá bị thiệt hại nặng do rủi ro hoặc thiên tai gây ra - Ảnh: N.LƯU |
Trong năm 2005, toàn tỉnh chỉ có 312 tàu tham gia bảo hiểm, đạt 8% tổng số tàu trong tỉnh và chỉ có khoảng 24% trong tổng số khoảng 20.000 thuyền viên cũng tham gia đóng bảo hiểm. Có thể nói, chủ tàu tham gia bảo hiểm tàu cá còn hạn chế, số lượng thuyền viên được bảo hiểm rất thấp. Thực trạng này dẫn đến tình trạng khi rủi ro xảy ra trên biển, nhiều tàu không tham gia bảo hiểm, đã phải bị phá sản hoặc không đủ kinh phí để khắc phục, hỗ trợ cho thuyền viên bị tai nạn… Nguyên nhân chủ yếu thuộc về nhận thức. Nhiều chủ tàu coi khoản đóng bảo hiểm như nghĩa vụ đóng ngân sách, chứ chưa nhận thức vai trò của bảo hiểm là dự phòng về tài chính để giúp họ khi rủi ro. Ngoài ra, ngư dân chưa tính toán cân đối được các loại chi phí phục vụ trong sản xuất kinh doanh tàu cá để trích một phần chi phí đóng bảo hiểm an toàn tàu cá.
* Ông có suy nghĩ gì về việc nhiều ngư dân có ý kiến cho rằng, chưa thật sự tin tưởng bảo hiểm vì khi rủi ro, tai nạn xảy ra, ngành bảo hiểm thiếu kiểm tra và chưa đánh giá đúng mức độ hư hại để bồi thường thiệt hại?
- Việc tham gia bảo hiểm tàu cá và bảo hiểm thuyền viên là quyền lợi và nghĩa vụ bắt buộc đối với chủ tàu, được quy định tại khoản 4, điều 5 chương II Nghị định số 66/2005/NĐ-CP của Chính phủ. Quyền lợi của chủ tàu tham gia bảo hiểm là được Bảo Việt bồi thường các thiệt hại về thân tàu và thuyền viên do các rủi ro, tai nạn gây ra thuộc phạm vi bảo hiểm theo quy tắc bảo hiểm tàu cá của Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam và quy tắc bảo hiểm tai nạn thuyền viên của Bộ Tài chính. Do vậy, tất cả các tàu cá tham gia bảo hiểm bị rủi ro tai nạn trong thời gian qua ở Phú Yên được Bảo Việt Phú Yên kiểm tra và bồi thường thiệt hại chính xác theo đúng quy định. Tôi xin ví dụ cụ thể: Trong năm 2005, Bảo Việt Phú Yên thu bảo hiểm của 312 tàu cá được 784 triệu đồng, nhưng đã bồi thường 83 vụ tai nạn với kinh phí lên đến 858 triệu đồng; thu bảo hiểm thuyền viên được 169 triệu đồng và đã bồi thường cho 86 vụ tai nạn với số tiền là 90 triệu đồng.
* Trước thực trạng bảo hiểm tàu cá còn rất thấp, Bảo Việt Phú Yên sẽ có những giải pháp gì để tăng cường công tác bảo hiểm tàu cá và thuyền viên trong thời gian tới, thưa ông?
- Những biến cố về thời tiết như bão lốc, sóng thần… và các rủi ro khác luôn có thể ập đến bất cứ lúc nào, đe dọa đến sự an toàn về tính mạng và tài sản của bà con ngư dân. Do vậy, trong thời gian tới Bảo Việt Phú Yên phối hợp với các ngành thủy sản, Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh và chính quyền các địa phương ven biển tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định về bảo hiểm để giúp cho bà con ngư dân từng bước nhận thức được mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của bảo hiểm tàu cá và thuyền viên. Bảo Việt sẽ in ấn các tài liệu, tờ rơi trích một số nội dung chính về điều khoản bảo hiểm và quyền lợi bảo hiểm… để trang bị cho các tàu cá hoạt động trên biển. Chính phủ đã có quy định bắt buộc chủ tàu đánh bắt xa bờ phải tham gia bảo hiểm tàu cá và thuyền viên, còn đối với các loại tàu hành nghề khai thác khác, Bảo Việt vận động, khuyến khích bà con tích cực tham gia bảo hiểm. Đặc biệt, Bảo Việt sẽ chú trọng công tác vận động bảo hiểm thuyền viên, nhằm giúp họ và gia đình họ vượt qua khó khăn khi không may xảy ra tai nạn trên biển. Hiện nay, Bảo Việt Phú Yên mở rộng bảo hiểm sinh mạng cho mọi đối tượng, do vậy tất cả ngư dân có thể tham gia loại hình bảo hiểm này.
NGUYÊN LƯU (thực hiện)