Sau hơn chục năm làm công nhân may tại TP Hồ Chí Minh, anh Võ Ngọc Bảo ở thôn Mỹ Phú, xã Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa) quyết định về quê gầy dựng cơ sở may công nghiệp ngay tại nhà. Dù chỉ mới bắt đầu nhưng cách làm của anh Bảo được nhiều người đồng thuận vì giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn ở địa phương.
Anh Võ Ngọc Bảo hướng dẫn công nhân thôn Mỹ Phú (xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa) may sản phẩm. - Ảnh: A.BANG
Cơ sở may công nghiệp do anh Võ Ngọc Bảo làm chủ được thành lập giữa năm ngoái. Sau khi sản phẩm hoàn thành, anh Bảo chuyển gửi vào TP Hồ Chí Minh cho cơ sở lớn của người em xuất khẩu, tiếp tục nhận hàng về làm. Theo anh Bảo, bây giờ cơ sở đang tập trung đào tạo nhân công cho thạo việc. Chính quyền địa phương cũng đã đến khảo sát, động viên anh mở rộng sản xuất. “Trước khi mở cơ sở tại nhà tôi đã có hơn 10 năm làm công nhân may công nghiệp cho một người em tại TP Hồ Chí Minh, giờ quyết định trở về quê nhà gầy dựng nhằm mở rộng mạng lưới cho cơ sở của em mình. Công nhân tại địa phương cũng dễ tìm hơn so với những nơi khác”, anh Bảo cho biết.
Công nhân đang làm việc tại cơ sở may của anh Bảo vốn là những nông dân quen với việc đồng áng hơn nghề may công nghiệp. Thế nhưng, khi vào làm việc tại đây, họ được đào tạo nghề và trở thành những công nhân ngành may công nghiệp chuyên nghiệp. Khi tìm hiểu, được biết hầu hết những công nhân này đều có con nhỏ, trước đó thường chỉ làm nông như gặt lúa, đi cấy khi vào mùa vụ hay làm thuê. Nhiều người vì hoàn cảnh gia đình không thể đi làm xa, nay may công nghiệp về tận nơi, ai cũng phấn khởi. Hơn hết là có việc làm ngay cạnh nhà, có lương thưởng mà vẫn có thể trở về nấu cơm trưa cho gia đình, chăm con... Chị Hồ Thị Kim Nữ (29 tuổi), công nhân may tại cơ sở này cho biết: “Tôi có hai con, hàng ngày tôi cũng chỉ làm nông thôi, nhưng giờ đến mùa gặt thì đã có máy cắt hết rồi nên rất rảnh rỗi. Đi may ăn lương theo sản phẩm như thế này nếu mình làm được nhiều thì mức thu nhập cao hơn”. Còn chị Lê Thị Hướng (28 tuổi) chia sẻ: “Công việc của tôi hàng ngày ở đây là ráp quần và thường mang đồ về nhà làm thêm. Từ ngày đi làm, kinh tế vợ chồng tôi ổn định hơn”. Giống như chị Nữ, chị Huỳnh Thị Thúy Kiều (32 tuổi) nhà ở cạnh cơ sở may, kể: “Trước tôi chỉ làm nông, thường rảnh rỗi. Hai cháu còn nhỏ thì đi làm xa cũng khó. Tui vào đây học việc 3 tháng, biết may, giờ đã làm ăn theo sản phẩm nên thu nhập cũng khá hơn”.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thịnh, cho biết: “Hiện tại toàn xã Hòa Thịnh đang hình thành 3 điểm tổ chức may công nghiệp. Về mặt địa phương, chúng tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở như vậy phát triển nhằm góp phần giải quyết việc làm cho bà con địa phương”.
AN NGUYÊN