Thời gian qua, nhiều người dân ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa) đã chuyển diện tích canh tác lúa hai vụ sang trồng cây cỏ mực và diệp hạ châu (cây chó đẻ) để cung ứng nguồn dược liệu cho Trung tâm Bảo tồn và phát triển dược liệu miền Trung. Những cây trồng này cho thu nhập khá cao và góp phần giải quyết lao động nông nhàn ở nông thôn.
Nông dân thôn Đông Bình (xã Hòa An, huyện Phú Hòa) nhổ cỏ chăm sóc ruộng diệp hạ châu - Ảnh: T.HƯƠNG
Năm 2009, khi được Trung tâm Bảo tồn và phát triển Dược liệu miền Trung (xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa) đặt vấn đề trồng hai loại dược liệu là cây cỏ mực và cây diệp hạ châu cung ứng cho trung tâm để chiết xuất thuốc, nhiều người dân ở xã Hòa An hồ hởi tham gia. Ông Trần Xuân Bình ở thôn Đông Bình cho biết: “Nhiều năm nay, việc trồng lúa bị ảnh hưởng vì thời tiết thay đổi thất thường và sâu bệnh, chi phí vật tư tăng cao nên chủ yếu lấy công làm lãi. Do vậy, khi được Trung tâm Bảo tồn và phát triển dược liệu miền Trung hướng dẫn cách trồng, cung cấp hạt giống miễn phí và bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch với mức giá ổn định, gia đình tôi đã chuyển 5.000m2 đất trồng lúa hai vụ sang trồng hai loại cây này”.
Cây cỏ mực và diệp hạ châu tương đối dễ trồng, có thời vụ ngắn, khoảng 45-60 ngày là có thể thu hoạch. Vì vậy, nông dân có thể trồng được 4 vụ/năm. Theo nhiều nông dân ở địa phương, cỏ mực và diệp hạ châu là đối tượng trồng mới nên rất ít gặp phải dịch bệnh như lúa, lại không sợ bị chuột cắn phá. Ông Đoàn Văn Tiết, ở thôn Đông Bình (xã Hòa An) cho biết: “Trồng hai loại cây này trong thời gian qua, tôi thấy loại sâu ăn lá chỉ xuất hiện khi cây cao lớn, đến kỳ thu hoạch nên không thiệt hại gì cả”.
Khi đăng ký trồng cỏ mực hoặc diệp hạ châu, các hộ nông dân còn được trung tâm cấp giống, hướng dẫn cách chăm sóc, bao tiêu đầu ra. Giá thu mua các loại cây này tương đối cao: 3.300 đồng/kg diệp hạ châu, 3.000 đồng/kg cỏ mực nên người dân rất an tâm khi trồng loại dược liệu này. Nhiều nông dân cho biết, mỗi vụ thu hoạch dược liệu thường đạt năng suất từ 0,8-1 tấn/sào (500m2), bình quân một năm thu nhập khoảng 13 triệu/đồng/sào, so với làm lúa thì lợi nhuận cao hơn 2-3 lần. Ông Đặng Tiến ở thôn Đông Bình nói: “Theo yêu cầu của nhà cung ứng và thu mua thì khi trồng dược liệu nông dân chúng tôi tuyệt đối không lạm dụng phân bón hay thuốc diệt cỏ, trừ sâu. Vì vậy, chi phí trồng dược liệu không nhiều, nặng nhất chỉ có công làm cỏ”. Khi trồng cỏ mực và diệp hạ châu, người dân phải luân phiên cây trồng trên đất hoặc thay đổi diện tích trồng mới. Vì nếu trồng thường xuyên hai loại cây này trên một diện tích đất cố định 3 vụ liền sẽ không đạt năng suất.
Đến nay, toàn xã đã có khoảng 5ha diện tích trồng hai loại cây trồng này với khoảng 50 hộ tham gia. Công việc này tương đối nhàn và cho thu nhập cao hơn so với trồng các cây lúa, bắp, bí… Ông Huỳnh Nho Khiêm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa An cho biết: “Do số lượng thu mua của trung tâm có hạn nên chúng tôi thường xuyên nhắc nhở bà con dè dặt trong việc mở rộng diện tích trồng, không để xảy ra tình trạng “nhũng” hàng, gây thiệt hại kinh tế của người dân”.
TUYẾT HƯƠNG