Huyện miền núi Sông Hinh đang tích cực tuyên truyền về công tác xây dựng nông thôn mới để người dân hiểu được lợi ích của mô hình nông thôn mới và vận động mỗi người cùng có trách nhiệm đóng góp xây dựng…
Mô hình trồng mía trang trại ở huyện Sông Hinh cho năng suất cao. - Ảnh: H.NAM
Xã Ea Ly và xã Sơn Giang được Ban chỉ đạo Chương trình Xây dựng nông thôn mới huyện Sông Hinh chọn làm điểm để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong năm qua, chính quyền xã Ea Ly tập trung vận động nhân dân gieo trồng hết diện tích; đồng thời chuyển đổi một số cây trồng phù hợp với thời tiết và thổ nhưỡng từng vùng. Tổng diện tích gieo trồng của xã hiện là 2.224ha, vượt gần 10% so với năm trước, trong đó cây lúa 201ha, cây bắp 612ha, cây sắn 455ha và cây mía 826ha. Tuy nhiên, kết quả mang lại chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Theo UBND xã Ea Ly, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế nên năng suất, chất lượng của một số cây trồng còn thấp. Bên cạnh đó, việc nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả cao còn hạn chế, chăn nuôi chậm phát triển... Vì vậy, nhiệm vụ và giải pháp đặt ra của xã Ea Ly trong thời gian đến là cần hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trên cây trồng để giảm chi phí đầu tư; thực hiện chuyển đổi cây trồng theo quy hoạch vì hiện nay nhân dân còn chạy theo lợi nhuận trước mắt, khiến vùng quy hoạch bị phá vỡ. Ông Huỳnh Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Ly cho biết: “Địa phương đã phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học để thâm canh cây trồng. Nhất là việc sử dụng giống mới, phân bón, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan để làm giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất chất lượng. Bên cạnh đó, địa phương cũng vận động nhân dân phát triển mạnh cây công nghiệp nhất là cao su, cà phê, ca cao theo từng vùng phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng”. Việc quy hoạch tập trung này đáp ứng các tiêu chí của Bộ Tiêu chí nông thôn mới đề ra. Theo Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, việc đầu tư ngân sách cho nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng của huyện, nhất là lĩnh vực cải tạo đàn bò, giống cây trồng. Chẳng hạn như lâu nay người dân sử dụng giống đậu đỏ và mè cũ, bị thoái hóa nên năng suất cầm chừng, thậm chí giảm. Tuy nhiên, đến nay họ vẫn chưa được đầu tư giống mới cho năng suất cao.
Xã Sơn Giang thành lập ban chỉ đạo xây dựng thí điểm nông thôn mới trên địa bàn xã theo kế hoạch của UBND huyện. Các nội dung cần tập trung gồm: quy hoạch vùng sản xuất, vùng dân cư, quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi trong sinh hoạt, phát triển văn hóa, giữ gìn môi trường và phát triển các làng nghề ở mỗi địa phương. Trước mắt, các khu dân cư ở các điểm nông thôn mới được quy hoạch lại cho phù hợp quy hoạch phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật. Tuy nhiên, công tác thực hiện quy hoạch còn chậm so với đề án của huyện. Do vậy, huyện Sông Hinh đang đôn đốc các địa phương hoàn thành đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã theo bộ tiêu chí quốc gia.
Ông Nguyễn Khắc Sự, Phó trưởng Ban chỉ đạo Chương trình Xây dựng nông thôn mới huyện Sông Hinh, cho biết: “Chương trình xây dựng nông thôn mới bước đầu thành lập nên nhiều địa phương còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. Cán bộ làm công tác này chưa được tập huấn, đào tạo nên gặp khó khăn trong công tác chỉ đạo hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện”. Theo Ban chỉ đạo Chương trình Xây dựng nông thôn mới huyện Sông Hinh, Ban chỉ đạo cấp tỉnh cần có hướng dẫn cụ thể về chế độ kinh phí hoạt động đồng thời tổ chức đào tạo, tập huấn các thành viên cán bộ từ huyện đến xã để nắm vững về công tác này, đặc biệt là năng lực làm chủ đầu tư thực hiện dự án xây dựng nông thôn mới.
MẠNH HOÀI