Tình hình quản lý, sử dụng đất (SDĐ) làm trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế những năm gần đây cơ bản được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm theo quy định. Tuy nhiên, công tác quy hoạch, kế hoạch SDĐ vẫn còn nhiều hạn chế.
Việc tham mưu bán ba căn nhà 279, 281, 283 đường Trần Hưng Đạo (TP Tuy Hòa) gây thiệt hại tài sản Nhà nước. - Ảnh: P.NAM
NHIỀU CƠ QUAN, CÔNG TRÌNH SỰ NGHIỆP CHƯA CÓ GIẤY CHỨNG NHẬN
Theo đánh giá của UBND tỉnh, phần lớn các cơ quan nhà nước, các tổ chức sự nghiệp công đều thực hiện đầy đủ các quy định trong quản lý, sử dụng đất đai. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh mới chỉ có 53 công trình trong tổng số 121 công trình đất trụ sở cơ quan được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ); 187 công trình trong tổng số 449 công trình, thuộc đất công trình sự nghiệp được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Nguyên nhân là do một số cơ quan không lập thủ tục kê khai, hoặc cố tình không chấp hành đăng ký cấp giấy chứng nhận theo yêu cầu của ngành chuyên môn. Nhiều cơ quan quản lý nhà nước còn thờ ơ trong quản lý, theo dõi, quản lý thực trạng và sự biến động tài sản theo từng thời kỳ. Bên cạnh đó, hiện nay vẫn còn tình trạng sử dụng nhà, đất của công để cho thuê, hay việc xây dựng trụ sở làm việc mới vượt tiêu chuẩn, định mức sử dụng nhà làm việc do Thủ tướng Chính phủ quy định. Trong đó phải nói đến công tác quản lý chuyên ngành đối với tài sản nhà nước còn nhiều hạn chế, bị động, thiếu tính chuyên nghiệp…
Thực tế hiện nay, tình trạng sử dụng tài sản nhà nước sai mục đích, gây lãng phí còn xảy ra ở các cơ quan, tổ chức, trên nhiều lĩnh vực. Không ít tài nguyên đất, trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, tổ chức xã hội sử dụng sai mục đích, như bỏ trống, cho thuê, mượn hay sử dụng để kinh doanh… Một số trường hợp tổ chức điều chuyển, thanh lý tài sản công không đúng thẩm quyền, sai tiêu chuẩn, chế độ dẫn đến thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước. Sở Tài nguyên - Môi trường Phú Yên cho biết, hiện pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gắn liền với đất qua thời gian thực hiện nảy sinh nhiều bất cập như còn phân tán, chưa đầy đủ, thiếu tính đồng bộ và chưa điều chỉnh bao quát hết các quan hệ về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, hay hiệu lực pháp lý còn thấp so với yêu cầu thực tế đặt ra.
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT CÒN BẤT CẬP
Đến cuối năm 2010, công tác quy hoạch, sử dụng đất trên địa bàn toàn tỉnh cơ bản ổn định, đáp ứng cơ sở pháp lý trong thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích QSDĐ. Đất đai được sử dụng hợp lý hơn, đáp ứng nhu cầu SDĐ đúng mục đích, có hiệu quả của các ngành và nhà đầu tư, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội mang tính bền vững, lâu dài. Song, các chỉ tiêu sử dụng đất chưa đạt so với quy hoạch, đặc biệt là trong năm 2010. UBND tỉnh cho biết, nhiều dự án đã đăng ký, nhưng thực hiện chậm, có dự án không triển khai được do thiếu vốn đầu tư, hay quy hoạch treo. Mặt khác là do chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành xây dựng, nông nghiệp, công thương, dịch vụ - du lịch và phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương; công tác thẩm định, xét duyệt, nhất là cấp huyện, xã chưa mang tính chuyên nghiệp và gắn với quy hoạch phát triển lâu dài; không kiểm tra thực địa… dẫn đến lập quy hoạch sử dụng đất khập khiễng, chồng chéo, thiếu tính khả thi. Nguyên nhân chính là do, sau khi giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án, công trình, thiếu sự kiểm tra, đôn đốc để kịp thời chấn chỉnh, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, tránh tình trạng lấn chiếm, lãng phí.
Trong quản lý sử dụng đất khu công nghiệp, khu kinh tế còn nhiều bất cập, dẫn đến xảy ra tình trạng kéo dài trong việc cho thuê lại đất, cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Thực tế, có một số dự án đăng ký sử dụng đất với diện tích lớn nhưng triển khai xây dựng không đúng thiết kế kỹ thuật, không có kế hoạch cụ thể cho phần diện tích còn lại, hay không đảm bảo thời gian đầu tư theo quy định. Nguyên nhân chính là do việc ưu đãi đầu tư thời gian đầu không tính tiền thuê đất và phí sử dụng hạ tầng. Theo thống kê của Ban Quản lý khu Kinh tế Phú Yên, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các khu công nghiệp đến nay khoảng hơn 50-70% tổng diện tích được phê duyệt. Riêng khu công nghiệp Hòa Hiệp giai đoạn 1 và 2 diện tích đã xây dựng nhà máy chỉ đạt từ 53,76-65,95% so với diện tích được giao.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc cho biết, trong năm 2011, phải hoàn thành và trình phê duyệt quy hoạch sử dụng đất của tỉnh giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2025. Sớm hoàn thiện Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp tỉnh, cấp huyện; làm tốt hai chức năng là bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tạo quỹ đất để tái định cư, an sinh xã hội và đấu giá quyền sử dụng đất, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội và tăng thu ngân sách từ đất.
PHƯƠNG