Thứ Năm, 03/10/2024 07:18 SA
Tiểu thương kinh doanh vải sợi:
Bỏ không được, bán không xong
Thứ Tư, 16/03/2011 14:09 CH

Đầu năm, thị trường hàng vải sợi may mặc vốn đang ế ẩm, lại thêm phần ảm đạm hơn do giá nhiều mặt hàng liên tục tăng mạnh. Trong khi người tiêu dùng ngày càng ngại mua vải may quần áo thì các tiểu thương bán vải khổ sở với số vải tồn đọng, giá leo thang. Nhiều ngưởi bán vải lâm vào tình trạng bỏ không được, bán không xong.

 

vai-3110316.jpg

Khách chọn mua vải tại một hiệu vải ở TP Tuy Hòa - Ảnh: N.XUÂN

 

GIÁ TĂNG, SỨC MUA GIẢM

 

Theo các tiểu thương bán vải, từ đầu năm đến nay, các mặt hàng vải sợi đã qua nhiều đợt tăng giá khá mạnh, từ 5-10%. Trong đó, một số loại vải tăng từ 3.000-5.000 đồng/m, cá biệt một số loại tăng đến 35% khiến việc kinh doanh mặt hàng này càng thêm phần khó khăn. Hầu như tất cả các loại vải đều lên giá trong khi người mua vải ngày càng ít đi. Về điều này, anh Thế Trưởng, ở tiệm vải Hoa Chính phân tích: “Có rất nhiều nguyên nhân khiến người tiêu dùng ngày càng ít mua vải. Phần vì hiện quần áo may sẵn rất nhiều, mẫu mã đẹp, hợp thời trang, giá cả phù hợp. Phần vì giá vải tăng, tiền công may cũng tăng mạnh nên mọi người rất ngại mua vải về may quần áo. Do đó, lượng khách mua hàng mỗi năm một ít đi, việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn”.

 

Để đối phó với tình hình trên, nhiều hàng vải không dám nhập hàng mới hoặc chỉ nhập một ít cho đủ hàng. Anh Trưởng tâm sự: “Hiện giá tăng, sức mua giảm nên chúng tôi không dám nhập hàng nhiều, đặc biệt là các mặt hàng tăng giá mạnh. Để ổn định tình hình kinh doanh, tiệm chỉ nhập những mặt hàng tăng giá từ 5-8%; còn những mặt hàng tăng quá cao (trên 10%) thì chúng tôi tạm thời không nhập, chờ giá cả ổn định rồi tính tiếp”.

 

Không chỉ các loại vải chất lượng cao tăng giá, mà ngay đến những loại vải rẻ tiền cũng tăng giá rất mạnh. Hiện vải KT loại thường đã tăng giá 28%, vải  xoa thường được dùng may cờ, băng rôn tăng 33%, vải phi bóng tăng 35%. Nhiều chủ hàng vải phải chấp nhận bán với mức lãi thấp nhất để giữ khách hàng. Chị Lan, chủ sạp vải Mỹ Lan tại chợ Tuy Hòa cho hay: “Từ đầu năm đến nay hàng vải tăng giá liên tục. Chúng tôi chỉ bán với giá cao hơn giá mua vào khoảng 5% để bù lại các chi phí vận chuyển, thuế, điện, nước”.

 

Bên cạnh đó, từ khi có thông tin xăng, dầu, điện, nước đồng loạt tăng giá, nhiều dịch vụ đã “đón đầu” tăng giá trước. Trong đó, các hiệu may tăng giá rất mạnh. Chị Đoàn Thị Kim Oanh ở phường 7, TP Tuy Hòa cho biết: “Vừa rồi đi may bộ comple mới, tôi giật mình khi thấy tiền công may đã tăng lên rất cao. Lúc trước tiền công chỉ 140.000 đồng/bộ nay lên 190.000 đồng/ bộ”.

 

BÁN KHÔNG ĐƯỢC, BỎ KHÔNG XONG

 

Tại các sạp vải trong chợ Tuy Hòa, không khí buôn bán vắng lặng. Cả một khu vực bán vải rộng lớn chỉ có vài ba khách đến xem hàng. Bà Lê Thị Hiền chủ sạp vải Hiền than thở: “Có sạp vải thì phải ra mở cửa bán vậy thôi chứ mấy khi có người mua. Bây giờ hàng vải đã hết thời rồi, tôi rất muốn bỏ nhưng không biết giải quyết mớ hàng tồn này ra sao. Vả lại sạp vải muốn sang lại cũng không ai chịu sang”. Khu vực bán vải tại chợ Tuy Hòa có 38 sạp nhưng nay đã có 4 hộ nghỉ doanh. Các hộ còn lại đang trong tình trạng “bán không được, bỏ không xong”. Bà Nguyễn Thị Vị, một chủ sạp vải khác, ngán ngẩm: “Để có một sạp vải kinh doanh tại khu vực này, mỗi hộ phải đóng vào 50 triệu đồng (trong 4 năm). Thêm vào đó là đủ các loại tiền như thuế kinh doanh, thuế môn bài, tiền điện, phí quản lý, phí vệ sinh… nhưng việc bán buôn ngày càng ế ẩm, không đủ vốn và chi phí trang trải cuộc sống. Trong khi đó, theo quy hoạch thì khu vực nào chỉ được bán hàng loại đó nên chúng tôi không thể tìm thêm nguồn thu nhập nào khác. Chúng tôi đã xin Ban Quản lý chợ cho phép bán thêm hàng bảo hộ lao động hoặc quần áo may sẵn để cải thiện tình hình nhưng vẫn chưa thấy trả lời. Chúng tôi đang thực sự bế tắc”. Các tiểu thương Nguyễn Thị Mai, Trần Thị Mộng, Lâm Thị Đào, Trần Thị Mai… cũng đang mỏi mòn chờ giải pháp cải thiện tình hình kinh doanh khu vực này.

 

Ông Nguyễn Chí Xanh, Phó Ban Quản lý chợ Tuy Hòa cho biết: “Khi thành lập chợ, UBND tỉnh đã yêu cầu các tiểu thương phải bán hàng theo đúng ngành hàng quy định. Việc các hộ kinh doanh vải xin bán thêm đồ bảo hộ lao động hoặc quần áo may sẵn, chúng tôi đã biết và trình lên cấp trên từ rất lâu nhưng trên trả lời là không được phép. Đến nay việc buôn bán của bà con ngày càng khó khăn, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm giải pháp giúp đỡ, tạo điều kiện cho bà con buôn bán”.

 

NGÔ XUÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek