Biến động liên tục của giá vàng thời gian qua đã ảnh hưởng đến việc thực thi chính sách tiền tệ vĩ mô. Đã đến lúc phải quản lý thị trường vàng phù hợp với quy luật thị trường, thay cho phương thức mệnh lệnh hành chính như đã áp dụng từ lâu.
Hoạt động kinh doanh vàng sẽ đi vào khuôn khổ khi Nghị định về quản lý vàng của Chính phủ có hiệu lực. - Ảnh: N.QUANG
Thông tin từ các đại lý giao dịch của các công ty kinh doanh vàng bạc, đá quý tại TP Tuy Hòa, những ngày qua giá vàng tăng, giảm thất thường khiến thị trường vàng gần như bị “đóng băng”. Theo bà Trần Thị Liêm, chủ tiệm vàng Kim Ngọc Khánh ở huyện Đông Hòa, thị trường vàng ảm đạm là do tâm lý kỳ vọng giá vàng có thể sẽ tăng thêm nữa, nên người dân có vàng chưa đem bán vội để lấy tiền đầu tư sang lĩnh vực khác.
Thực tế, thời gian qua biến động giá vàng đã gây sức ép tiêu cực lên thị trường tiền tệ, nhất là thị trường ngoại hối. Đại diện chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Phú Yên cho biết, trong năm 2010 Ngân hàng Nhà nước triển khai nhiều giải pháp can thiệp nhằm ổn định giá vàng, như đóng cửa sàn giao dịch vàng; quản lý huy động và cho vay bằng vàng đối với tổ chức tín dụng theo hướng thu hẹp đối tượng và hoạt động kinh doanh; cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng cho các đầu mối; can thiệp bình ổn tỉ giá với đồng USD… Sau những động thái can thiệp này, giá vàng trong nước nói chung và trên thị trường Phú Yên nói riêng có thời điểm giảm dưới 36 triệu đồng/lượng. Thế nhưng, những tháng đầu năm 2011, giá vàng lại tiếp tục “nhảy múa” theo hướng tăng. Và những ngày gần đây, giá vàng trên thị trường Phú Yên gần 38 triệu đồng/lượng. Cụ thể, giá vàng miếng SJC mua vào 3,76 triệu đồng/chỉ, bán ra 3,8 triệu đồng/chỉ; vàng SBJ của Sacombank niêm yết giá mua vào 3,6 triệu đồng/chỉ, bán ra 3,7 triệu đồng/chỉ. Điều này cho thấy, mặc dù các cơ quan quản lý đã triển khai nhiều giải pháp can thiệp, nhưng hiệu lực quản lý kinh doanh lĩnh vực này vẫn chưa cao, thị trường vàng vẫn chưa được quản lý chặt chẽ, chứa đựng nhiều rủi ro.
Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 24/2/2011 về 6 nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó nêu rõ trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước: “Kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng; trong quý II năm 2011 trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu vàng, tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do; ngăn chặn hiệu quả các hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới”.
Ông Nguyễn Minh, Giám đốc Công ty TNHH Tân Minh (TP Tuy Hòa) cho rằng, nếu Nhà nước cấm kinh doanh vàng miếng nhưng không có biện pháp quản lý hữu hiệu thì người dân sẽ chịu thiệt. Bởi, sẽ nảy sinh thị trường “vàng chợ đen” như thị trường ngoại tệ hiện nay. Cái gì không công khai, minh bạch thì luôn tiềm ẩn tiêu cực và rủi ro. Người dân khi có nhu cầu mua vàng miếng ở “thị trường ngầm” sẽ dễ bị thiệt hại về gian lận độ tuổi của vàng. Còn theo bà Ngô Thị Ngọc, chủ tiệm vàng Kim Minh ở TP Tuy Hòa, Nhà nước cấm kinh doanh vàng miếng sẽ không ảnh hưởng gì nhiều đến hoạt động của các tiệm vàng. Bởi, lợi nhuận chủ yếu và nhiều nhất là kinh doanh vàng đã qua chế tác thành vàng trang sức, vàng mỹ nghệ. Việc mua hay bán vàng trang sức, vàng mỹ nghệ thì tiệm vàng đều hưởng lợi từ tính phí gia công, chế tác. “Nếu Nhà nước cấm kinh doanh vàng miếng, thay vì mua vài ba cây vàng, người dân vẫn có thể mua vài ba chục chỉ vàng ở dạng vòng đeo tay, hoặc nhẫn mà!”, bà Ngọc nói.
Đại diện chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Phú Yên cho biết, ngân hàng không cấp phép và quản lý hoạt động các đại lý kinh doanh vàng ở Phú Yên. Vì vậy, chi nhánh không thể độc lập kiểm tra, giám sát hoạt động này, mà chỉ có thể phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh. Theo các chuyên gia tài chính, việc cấm kinh doanh vàng miếng cần tiến hành từng bước một cách thận trọng, bởi liên quan đến tâm lý và truyền thống cất trữ vàng phổ biến, lâu đời của người dân. Tiến tới hạn chế và xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do là vấn đề cần thiết, khắc phục tình trạng tích trữ vàng không làm lợi cho nền kinh tế. Tuy nhiên, trước tiên Chính phủ cần có giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, giảm lạm phát, nâng cao sức mua của đồng tiền Việt
NGUYỄN QUANG