Trên cơ sở thực hiện Luật Đất đai năm 2003, giai đoạn 2006-2010, tỉnh Phú Yên đang tích cực triển khai rà soát các cơ sở dữ liệu, lập kế hoạch chi tiết cho giai đoạn 2010-2015. Tỉnh tiếp tục đo đạc lập hồ sơ địa chính cho 15 xã và các địa bàn có biến động lớn về đất đai để chỉnh lý, phấn đấu đến cuối năm 2015 hoàn thành mục tiêu “một thửa, một giấy”.
Khu đất vừa mới được quy hoạch đất ở trên đường Hùng Vương (phường 9, TP Tuy Hòa). - Ảnh: P.NAM
TIẾN ĐỘ CÒN CHẬM
Đến nay, toàn tỉnh đã đo đạc lập bản đồ địa chính cho 96/112 đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn (cấp xã) với tổng diện tích gần 454.000ha trên tổng diện tích hơn 506.000ha, tỉ lệ bản đồ từ 1/500-1/10.000. Hiện đã xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính và đang được sử dụng ở cấp tỉnh với 13/112 đơn vị hành chính cấp xã. Theo Sở Tài nguyên - Môi trường, đến nay toàn tỉnh có 9 đơn vị hành chính cấp huyện và 112 đơn vị hành chính cấp xã được thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất (SDĐ), tăng 8 đơn vị so với năm 2005 và đang triển khai lập bản đồ quy hoạch SDĐ giai đoạn 2011-2020, định hướng đến 2025. Cũng theo sở này, trong 7 huyện, thành phố phải lập kế hoạch SDĐ 5 năm (2006-2010) có 2 huyện là Tuy An, Sông Hinh, TX Sông Cầu và TP Tuy Hòa được lập, trình, quản lý thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; các huyện Phú Hòa, Đông Hòa, Tây Hòa có lập kế hoạch SDĐ nhưng chỉ có hai nội dung, đất ở và đất phục vụ các công trình công cộng. Riêng hai huyện Đông Hòa và Tuy An đến nay vẫn chưa công bố, niêm yết công khai tài liệu quy hoạch sử dụng đất đến năm 2015 và kế hoạch SDĐ 5 năm (2011-2015).
Theo thống kê của UBND tỉnh, hiện nay, tiến độ cấp giấy chứng nhận QSDĐ toàn tỉnh chỉ đạt hơn 85%, tăng hơn 10% so với năm 2008, nên việc cấp giấy chứng nhận một thửa một giấy còn khối lượng khá lớn. Ông Mai Kim Lộc, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, cho biết nguyên nhân là một số địa phương cấp huyện chưa kịp thời chỉ đạo, đôn đốc cấp xã đẩy nhanh việc xét duyệt hồ sơ; chưa coi trọng việc cải cách thủ tục hành chính khi giải quyết cấp giấy chứng nhận; chưa thực hiện đồng bộ việc cấp giấy chứng nhận với lập hồ sơ địa chính, hay việc chỉnh lý các biến động về đất đai chưa được thực hiện kịp thời, đúng quy định; việc định giá đất chưa đảm bảo nguyên tắc sát với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường, làm cho giá đất theo khung giá Nhà nước quy định với giá thực tế còn chênh lệch khá cao, dẫn đến xảy ra tình trạng khiếu kiện khi thu hồi đất; nhiều cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn và một số cán bộ cấp huyện chưa hiểu được nội dung, yêu cầu của nhiệm vụ, trách nhiệm thực hiện, dẫn đến tình trạng đùn đẩy giữa cơ quan ở các cấp.
Trên thực tế, ngoài các nguyên nhân nêu trên, vai trò tuyên truyền của các cấp hội, đoàn thể ở địa phương cũng chưa được phát huy hết. Một số đơn vị cấp huyện chưa triển khai thực hiện đồng bộ việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho tất cả các loại đất, mà chủ yếu tập trung vào các loại đất chính như đất ở nông thôn và đô thị. Có nơi còn xảy ra tình trạng dự án chồng dự án khi thực hiện đo đạc lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận QSDĐ…
NỖ LỰC HOÀN THÀNH
Để hoàn thành mục tiêu một thửa một giấy vào năm 2015, nhiều bất cập cần sớm được điều chỉnh. Đó là: nên giao thẩm quyền cho Văn phòng đăng ký QSDĐ được cấp giấy chứng nhận trong trường hợp cấp đổi, cấp lại và được xác nhận thay đổi, cấp đổi giấy chứng nhận được cấp trước ngày Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực; phương án thu hồi đất và thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư phải được phê duyệt ngay, tránh tình trạng khi phương án được lập từ năm trước, đến năm sau mới được phê duyệt; cần xây dựng khung giá đất ổn định ít nhất trong thời gian 3 năm, vì trên thực tế nhiều dự án đầu tư kéo dài từ 3-5 năm.
Đối với quy hoạch sử dụng đất, Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết, cần có sự quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch xây dựng và thời gian định hướng kéo dài từ 10-20 năm. Lập quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn toàn tỉnh cần thiết phải thực hiện theo hướng phân vùng sử dụng đất trên cơ sở theo không gian, xác định rõ vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp, rừng đặc dụng và xác định đâu là vùng sẽ sử dụng để phát triển đô thị, công nghiệp khi cần thiết phải chuyển đổi. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc, để tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch sử dụng đất, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về đất đai đến mọi tổ chức, thành phần trong xã hội; Sở Tài nguyên - Môi trường, các ban ngành liên quan và địa phương cần phối hợp xây dựng quy trình thực hiện công tác tài nguyên - môi trường…
Hiện nay, tỉnh Phú Yên đang đẩy nhanh tiến độ lập bản đồ quy hoạch SDĐ giai đoạn từ năm 2011-2020, dự kiến sẽ hoàn thành, trình phê duyệt trong năm 2011, đồng thời xây dựng quy hoạch định hướng đến năm 2025. Để hoàn thành tiến độ đề ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương nhanh chóng điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất các huyện. Đối với cấp xã cần có sự phối hợp với ngành Xây dựng, Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Các phường, thị trấn đã có quy hoạch xây dựng, thì chỉ lập kế hoạch sử dụng đất. Riêng các xã có quy hoạch xây dựng nông thôn mới thì lồng ghép quy hoạch sử dụng đất và ngược lại, phấn đấu hoàn thành trong năm 2012.
Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết, hiện còn 15 xã chưa đo đạc lập hồ sơ địa chính, hay có biến động lớn về đất đai là: Xuân Quang 1, Xuân Quang 2, Xuân Quang 3, Phú Mỡ, Xuân Sơn Nam, Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân); Xuân Lâm, Xuân Lộc (TX Sông Cầu); An Lĩnh, An Xuân, An Thọ (huyện Tuy An); Sơn Xuân, Suối Trai (huyện Sơn Hòa); xã Sông Hinh, Ea Lâm, Ea Bar (huyện Sông Hinh).
PHƯƠNG