Hồ chứa nước Hòn Dinh thuộc xã Hoà Xuân Tây (Đông Hoà) do nhân dân địa phương xây dựng từ những năm đầu thập kỷ 1980. Tuy nhiên do thi công bằng phương pháp thủ công, đập bằng đất đắp nên qua các mùa mưa lũ, hồ bị xuống cấp nghiêm trọng. Vì vậy, UBND tỉnh đã cho phép Sở Nông nghiệp và PTNT lập dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo công trình gồm các hạng mục mở rộng tràn xả lũ, làm mới cống lấy nước và nâng cao thân đập thêm 2m. Sau khi dự án hoàn thành sẽ nâng dung tích hồ chứa từ 230.000 m3 lên 310.000 m3 nhằm mở rộng diẹân tích tưới từ 25 ha lên 56 ha lúa 2 vụ trong khu vực. Dự án có vốn đầu tư gần 3 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh do Sở Nông nghiệp- PTNT làm chủ đầu tư được khởi công xây dựng vào ngày 4- 7- 2006.
TĂNG NHÂN, VẬT LỰC ĐỂ ĐẨY NHANH THI CÔNG
Khi chúng tôi có mặt, dự án đang trong giai đoạn thi công khẩn trương nhằm bảo đảm vượt lũ an toàn trong mùa mưa bão năm nay.
Tràn xả lũ đang được phá dỡ xây lại - Ảnh: N.T |
Hạng mục đầu tiên là tuyến đường thi công vào đến chân công trình dài 2,2 km do Công ty TNHH xây dựng Phú Cường thi công đã hoàn tất việc mở rộng nền đường 5 m bằng đất cấp phối từ đầu tháng 8, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa phương tiện cơ giới, vận chuyển vật liệu vào thi công các hạng mục chính của công trình. Đến thời điểm này, hạng mục cống lấy nước với lưu lượng qua cống 0,07 m3/giây do Công ty TNHH Tiến Lợi thi công đã cơ bản hoàn thành. Lúc này lòng hồ đã cạn kiệt, lộ lớp đất nứt nẻ song phía cống lấy nước vẫn còn dòng chảy do mạch nước ngầm từ những dãy núi bao quanh tạo ra. Hạng mục quan trọng của công trình là thân đập dài 375 m cũng do nhà thầu Tiến Lợi đảm nhận thi công đã đắp đất đến cao trình 10,5 m, nghĩa là đến cao trình thiết kế chỉ còn 1 m nữa. Để có kết quả đó trong hơn 1 tháng qua, nhà thầu này đã đưa vào công trình 2 máy đào, 2 xe ủi, 1 máy đầm và 4 xe tải, tiến hành bóc lớp đất cũ, mở rộng chân đập và đã đắp 18.500 m3 đất, đạt hơn 80% khối lượng đất đắp. Còn lúc này, trên mặt đập, việc thi công rất khẩn trương. Đất mới màu đỏ gạch được những chiếc xe tải đổ xuống, liền được xe ủi ban ra và được chiếc máy đầm rung tự hành nén chặt. Chỉ huy trưởng công trình Lê Nhu cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là đến cuối tháng 9 sẽ hoàn tất việc đắp đất và lát đá xây phía thượng lưu đập”. Anh chỉ cho chúng tôi những đống đá chẻ đổ dọc theo thân đập, nói: Chúng tôi đã chuẩn bị được 1.000 m3 trong kế hoạch 1.300 m3 và đang huy động 60 lao động để đẩy nhanh việc lát mái đập nhằm tránh thiệt hại khi mùa mưa bão đến.
Trong khi đó, Công ty TNHH Phú Cường đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công hạng mục tràn xả lũ, mặc dù có gặp khó khăn nhất định trong việc xử lý nền móng cũ. Theo thiết kế, tràn xả lũ cũ gồm 4 cửa sẽ được mở rộng lên 6 cửa, do đó toàn bộ bể tiêu năng phía hạ lưu phải phá bỏ để xây mới hoàn toàn. Trong tháng qua nhà thầu đã tốn nhiều công sức để đào lớp đá xây đó, đến thời điểm này mới phá 170 m3 đá xây, đạt 85% kế hoạch. Mặt khác, bên dưới nền bể tiêu năng lại là lớp đất sình lầy có nền đất yếu, phải xử lý khác so với yêu cầu của thiết kế thi công đặt ra. Tại đây, nhà thầu đưa máy đào và huy động 30 công nhân làm việc liên tục vừa bóc lớp đá xây, đào bể tiêu năng, vừa đào móng chân khay chuẩn bị xây thêm 2 cửa tràn xả lũ. Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Phú Cường, Nguyễn Văn Sĩ giãi bày: Thiết kế thi công không tính hết khối lượng đất đá phải bóc dỡ, có gây khó khăn cho việc thi công. Do vậy chúng tôi phải tăng thêm phương tiện kỹ thuật, lao động gấp 2, 3 lần để đáp ứng yêu cầu về tiến độ thi công, trước mắt tập trung xử lý phần đáy bể tiêu năng bảo đảm cho mục tiêu vượt lũ trước khi mưa đến.
HỒ SƠ THIẾT KẾ KỸ THUẬT CÒN THIẾU SÓT?
Dự án nâng cấp và cải tạo hồ chứa nước Hòn Dinh do Công ty Tư vấn và chuyển giao công nghệ (Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội) lập thiết kế kỹ thuật thi công và tổng dự toán. Có thể nói đây là dự án có quy mô nhỏ và không phức tạp lắm, song thực tế thi công tại hiện trường cho thấy thiết kế kỹ thuật thi công bộc lộ nhiều tồn tại.
Các đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo kế hoạch trước mùa mưa năm 2006 - Ảnh: N.TRƯỜNG |
Khi nhà thầu thi công cống lấy nước thì phát hiện hồ sơ thiết kế không bố trí lưới chắn rác, không có bản vẽ chi tiết cửa van đóng mở thuộc loại nào. Trên tuyến đập đất có một số vị trí là núi đá có mặt đất thấp hơn mực nước dâng từ 0,15- 0,55 m cũng không có giải pháp nâng cao để tránh hiện tượng nước thấm qua kẽ đá khi hồ đưa vào sử dụng. Còn đối với tràn xả lũ, bản vẽ thiết kế không thể hiện bố trí cốt thép trong tường chắn sau bể tiêu năng. Hệ thống đóng mở tràn xả lũ cũng chưa được tư vấn thiết kế đưa ra giải pháp hợp lý để bảo đảm vận hành an toàn sau này. Trong khi đó, trên tuyến đường thi công, quản lý công trình có 7 cống tiêu, tư vấn thiết kế lại tính thiếu khối lượng thép góc đến 10 lần. Trưởng ban Quản lý dự án thủy lợi Lê Văn Hương rất bức xúc trước những thiếu sót của hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công, cho biết: Những tồn tại trên chúng tôi đã có báo cáo với các cơ quan chức năng đề nghị bổ sung. Hơn nữa, công trình khi có quyết định trúng thầu rơi vào thời điểm cho phép lập lại dự toán theo Thông tư số 16 của Bộ Xây dựng nên cần phải lập lại dự toán theo hướng dẫn.
Hồ chứa nước Hòn Dinh được nâng cấp, cải tạo với yêu cầu bảo đảm sản xuất bình thường của nông dân, nghĩa là trong mùa mưa năm nay phải tích nước để phục vụ sản xuất vụ lúa đông xuân sắp tới. Đây cũng là thách thức đang đặt ra đối với các nhà thầu tham gia xây dựng công trình này. Đòi hỏi các nhà thầu không chỉ bố trí thi công hợp lý để sớm hoàn thành những hạng mục sẽ chìm dưới nước khi hồ tích nước trở lại mà còn phải lo chống đỡ với mưa bão sắp đến. Do vậy, những tồn tại của hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công cần sớm được xử lý để các nhà thầu triển khai thi công đồng bộ, đạt mục tiêu đặt ra.