Công điện khẩn của Bộ Công Thương ngày 17/2 đã yêu cầu lực lượng QLTT kiểm tra các cây xăng đóng cửa hoặc bán nhỏ giọt. Đối với các trường hợp còn hàng nhưng không bán phải lập biên bản và rút giấy phép hoạt động. Trường hợp không có hàng bán phải truy ngược lên hệ thống xem tắc ở khâu nào để tháo gỡ kịp thời. Hơn nữa, các thương nhân đầu mối phải bảo đảm cung cấp đủ, kịp thời số lượng, chủng loại xăng dầu cho thị trường; ổn định mức dự trữ lưu thông xăng dầu tối thiểu về cả số lượng và cơ cấu chủng loại, theo kế hoạch tiêu thụ đã được xác định hàng năm; chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát hệ thống phân phối của mình, bảo đảm cửa hàng bán lẻ xăng dầu bán đủ thời gian.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu các sở Công Thương chỉ đạo các thương nhân kinh doanh xăng dầu có cửa hàng bán lẻ trên địa bàn phải mở cửa hàng đủ thời gian, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; chỉ đạo chi cục QLTT chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng liên quan tại địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện các hành vi vi phạm về giá, đầu cơ, găm hàng…; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi đầu cơ, găm hàng, buôn lậu, đưa tin thất thiệt, đóng cửa hàng, giảm thời gian bán hàng, tiết giảm lượng hàng bán, kể cả tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Hùng Dũng, Cục trưởng Cục QLTT, cho biết vừa qua một số thông tin khan hàng đã làm nhiễu thị trường khiến người dân dao động và mua xăng về tích trữ đẩy nguồn cung tăng cao, nhiều cửa hàng đã hết hàng so với kế hoạch cung ứng hàng. Vì vậy, cục đã chỉ đạo tới các chi cục để triển khai tới các đội trên địa bàn tăng cường kiểm tra các cây xăng theo chỉ đạo của Cục Quản lý thị trường, sở Công Thương, nếu cây xăng nào có dấu hiệu bất thường sẽ xử lý nghiêm. Cục QLTT tái khẳng định: các đại lý có dấu hiệu đầu cơ, găm hàng, hay dừng nguồn cung bất hợp lý sẽ bị xử phạt nặng, trong đó nặng nhất là rút giấy phép vĩnh viễn.
(TTXVN)