Thứ Sáu, 29/11/2024 23:27 CH
Tái bùng phát dịch bệnh tôm ở hạ lưu sông Bàn Thạch:
Bài học cũ, hậu quả mới
Thứ Hai, 21/02/2011 09:00 SA

Bước vào vụ nuôi tôm 2011 chưa lâu nhưng dịch bệnh tôm đã bùng phát, báo hiệu một vụ tôm thất bát ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch. Điều đáng nói ở đây là những tồn tại hàng chục năm nay ở vùng nuôi này vẫn chưa được giải quyết.

 

tomnon110221.gif

Thu hoạch tôm non tại hồ ông Lê Trọng Kim (thôn Phước Long xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa) - Ảnh: L.BIẾT

 

Giữa trưa, trời nắng như đổ lửa nhưng ông Lê Trọng Kim, thôn Phước Long, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa vẫn phải huy động 4 người ra đìa thu hoạch 0,7ha tôm non mới tròn 2 tháng tuổi để bán tháo, vớt vát một phần vốn đầu tư sau 2 tháng xuống giống.   

 

Đây là một trong hàng chục hồ tôm của vùng nuôi Ngọn Đồng, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa bị phát dịch bệnh. Triệu chứng là tôm chết rất nhanh, thân chuyển sang màu đỏ và chìm xuống đáy. Ông Lê Trọng Kim cho biết: “Với 0,7ha, đầu tư cả giống và thức ăn trong vòng 2 tháng hết 60 triệu đồng, nhưng nếu bán với giá 33.000 đồng một ký tôm non, tôi thu vớt được 20 triệu đồng, nếu để chậm chỉ 1 ngày nữa là toàn bộ tôm sẽ chết. Cho đến ngày 18/2, tại xã Hòa Tâm diện tích tôm đã thả nuôi khoảng 50ha nhưng có gần 20ha tôm bị phát bệnh và dịch bệnh đang lây lan rất nhanh”.

 

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh bùng phát. Trước hết phải kể đến con giống. Hầu hết diện tích nuôi tôm ở hạ lưu Bàn Thạch là thả tôm thẻ chân trắng. 3 đơn vị cung cấp giống chủ yếu là Công ty CP, Công ty Việt Úc và Công ty Asia Hawoai Ventures (Khu công nghiệp Hòa Hiệp Phú Yên). Ngoài ra, người dân tự mua giống trôi nổi khắp nơi, nên không được kiểm soát chặt chẽ.

 

Tại vùng tôm Ngọn Đồng, 100% hồ nuôi bị nhiễm bệnh đều lấy giống từ Công ty Việt Úc. Ông Nguyễn Minh Tùng, ở thôn Phước Long, xã Hòa Tâm cho biết, mọi năm lấy giống Việt Úc thấy nuôi được nên năm nay bà con tin tưởng tiếp tục mua giống này.

 

Để thuận lợi cho nông dân, lực lượng tiếp thị của Công ty Việt Úc đến tận ao nuôi để giới thiệu. Khi người dân có nhu cầu mua giống, chỉ cần điện thoại là xe chở đến tận hồ. Chính sự tiện lợi này mà hầu hết người dân đều mua tôm giống theo phương thức trên. Khi chúng tôi hỏi nơi sản xuất giống của Công ty Việt Úc hiện đang ở đâu, thì tất cả bà con có mua giống Việt Úc đều trả lời “không biết”. Chính sự dễ dãi này của người nuôi tôm đã vô tình tạo cơ hội cho nguồn tôm giống kém chất lượng, bị nhiễm bệnh về các vùng nuôi tôm.

 

Công tác quy hoạch vùng nuôi cũng lắm chuyện đáng bàn. Hạ lưu sông Bàn Thạch là vùng nuôi tôm tập trung lớn nhất tỉnh với khoảng 1.200ha. Tuy nhiên, sau 15 năm kể từ phong trào nuôi tôm phát triển mạnh đến nay, vẫn chưa có một dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi một cách bài bản. Các hồ nuôi hàng chục năm nay phải sử dụng chung 1 kênh cấp và thoát nước. Khi dịch bệnh phát sinh, hộ nuôi này xả ra, hộ nuôi khác lấy nước vào và dẫn đến bệnh lây lan hàng loạt. Ông Lê Văn Ngọc, người nuôi tôm ở thôn Phước Long cho biết: “Đầu tư vào vụ, tiền cải tạo hồ đến giống, thức ăn, người nuôi đã mất 40-50 triệu/ha, không may tôm bị bệnh, trắng tay thì lấy đâu ra tiền để mua thuốc xử lý nước nữa. Trong khi đó, hầu như việc hỗ trợ của Nhà nước về thuốc để xử lý môi trường rất ít và không kịp thời, nên khi có dịch bệnh tôm thì mạnh ai nấy lo”.

 

Lý do thứ 3 là việc phá vỡ lịch thời vụ. Theo lịch thời vụ mà ngành NN-PTNT Phú Yên đã khuyến cáo vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch không nuôi sớm và chỉ thả tôm giống vào tháng 3/2011. Tuy nhiên, mới giữa tháng 2/2011 nhiều diện tích đã thả được từ 40-60 ngày. Thời tiết lạnh kéo dài trước tết, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm, giữa tầng nước mặt và tầng đáy quá lớn đã làm giảm sức đề kháng của tôm nuôi và dịch bệnh có điều kiện bùng phát.

 

Chính những nguyên nhân này mà liên tục hơn 10 năm qua, người nuôi tôm hạ lưu sông Bàn Thạch lao đao, thua lỗ.

 

Khi bị bệnh, người dân không báo cáo mà lén xả nước thải ra môi trường chung làm dịch bệnh lây lan. Xã đã thành lập 2 tổ tự quản nuôi tôm nhưng do sự thiếu ý thức của một bộ phận nhân dân nên việc kiểm tra, xử lý cũng khó thực hiện được. Chúng tôi đề nghị Nhà nước cần đầu tư phù hợp, kịp thời, có biện pháp hỗ trợ dập dịch ngay từ khi mới phát sinh để ổn định vùng nuôi tôm, hạn chế thiệt hại.

                             

(Ông Đặng Tín, Chủ tịch UBND xã Hòa Tâm) 

 

LÊ BIẾT

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek