Bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh do UBND tỉnh quyết định ban hành hàng năm, làm căn cứ để thực hiện các chính sách tài chính liên quan đến giá đất.
Một đoạn đường Hùng Vương thuộc phường 7, TP Tuy Hòa- Ảnh: P.NAM |
Bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh năm 2011 so với năm 2010 cơ bản vẫn ổn định ở phần xác định đô thị, đường, vị trí đất và phần giá các loại đất mà Chính phủ không quy định khung giá đất, có sự điều chỉnh về bố cục. Theo đó, bảng giá 8 loại đất: đất ở tại đô thị, đất ở tại nông thôn, đất lúa nước 2 vụ, đất trồng cây hàng năm còn lại, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản, và đất làm muối được lập thành phụ lục (ban hành kèm theo quyết định). Giá đất ở đô thị và giá đất ở nông thôn được điều chỉnh tăng ở 574/1.119 đường, đoạn đường (chiếm 51,3%); giá đất sản xuất kinh doanh được điều chỉnh tăng ở khu vực đô thị, giữ ổn định ở khu vực nông thôn đồng bằng, điều chỉnh giảm ở khu vực nông thôn miền núi; giá các loại đất nông nghiệp vùng đồng bằng cơ bản giữ ổn định, ở vùng miền núi được điều chỉnh tăng từ 1.000 đồng/m2 đến 8.000 đồng/m2. Bổ sung giá đất ở một số đường, đoạn đường, khu dân cư mới đầu tư xây dựng.
Bảng giá đất ở tại đô thị: Bảng giá đất ở đô thị của 22 phường, thị trấn năm 2011 có 506 đường, đoạn đường; trong đó có 476 đường, đoạn đường đã có trong bảng giá đất 2010; bổ sung 30 đường, đoạn đường. Trong 476 đường, đoạn đường đã có trong bảng giá đất năm 2010, điều chỉnh tăng ở 209 đường, đoạn đường với 837 vị trí (chiếm 44,09%); mức tăng cao nhất là 3,2 triệu đồng/m2 (vị trí 1 đường Hùng Vương - đoạn từ đường Trần Hưng Đạo đến đường Nguyễn Huệ điều chỉnh từ 6,8 triệu đồng/m2 lên 10 triệu đồng/m2); các vị trí điều chỉnh tăng với mức tăng phổ biến từ 10% đến 50% so với giá đất năm 2010; đường Trần Hưng Đạo, TP Tuy Hòa (đoạn từ đường Duy Tân đến đường Phan Đình Phùng) có giá cao nhất tỉnh (11 triệu đồng/m2); Giá đất đô thị giữ nguyên ở 261 đường, đoạn đường với 864 vị trí (chiếm 55,06%); điều chỉnh giảm ở 4 đường, đoạn đường với 6 vị trí (chiếm 0,8%) gồm đường Nơ Trang Long, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh; đường Trần Cao Vân (đoạn từ HTX Nông nghiệp Châu Bình đến ĐT645), đường La Hai - Đồng Nội thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân; mức giảm từ 20.000 đồng/m2 đến 100.000 đồng/m2 và giảm mạnh ở trục đường rộng 16m thuộc dự án Khu dân cư đường nội thị dọc bờ biển TX Sông Cầu để phục vụ tái định cư.
Bảng giá đất ở nông thôn: Bảng giá đất ở nông thôn năm 2011 có 722 đường, đoạn đường, khu vực; trong đó có 643 đường, đoạn đường, khu vực đã có trong bảng giá đất 2010; bổ sung: 79 đường, đoạn đường, khu vực. Trong 643 đường, đoạn đường, khu vực đã có trong bảng giá đất năm 2010; điều chỉnh tăng giá ở 365 đường, đoạn đường, khu vực với 1.460 vị trí (chiếm 56,76%), mức tăng cao nhất là 1,8 triệu đồng/m2 (từ 1,2 triệu đồng/m2 lên 3 triệu đồng/m2 ) ở mặt tiền đường số 8 và số 9 khu dân cư chợ Xuân Lộc, TX Sông Cầu do mới đầu tư xây dựng chợ, mức giá này bằng giá đất đường Hải Dương xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa và đây cũng là mức giá đất ở nông thôn cao nhất tỉnh; các vị trí còn lại tăng phổ biến từ 20.000 đồng/m2 đến 200.000 đồng/m2; Giá đất nông thôn giữ nguyên ở 270 đường, đoạn đường, khu vực với 1.080 vị trí (chiếm 41,99%); giảm giá ở 8 đường, đoạn đường, khu vực với 27 vị trí thuộc vùng nông thôn hẻo lánh (chiếm 1,24%); mức giảm phổ biến từ 20.000 đồng/m2 đến 50.000 đồng/m2 .
Bảng giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp: Giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp tại đô thị được xác định bằng 70% giá đất ở tương ứng cho từng đường phố, đoạn phố, vị trí đất ở của từng đô thị, tăng 10% so với năm 2010. Đây là giải pháp để các nhà đầu tư quan tâm đến hiệu quả sử dụng đất trong xu thế quỹ đất đô thị ngày càng hạn hẹp, đồng thời tăng thêm nguồn thu cho ngân sách. Giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp tại nông thôn vùng đồng bằng được xác định bằng 60% giá đất ở tương ứng cho từng đường, đoạn đường, vị trí đất ở của từng xã (như quy định trong bảng giá đất năm 2010). Giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp tại nông thôn vùng miền núi được xác định bằng 50% giá đất ở tương ứng cho từng đường, đoạn đường, vị trí đất ở của từng xã, giảm 10% so với năm 2010; đây là giải pháp nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn miền núi.
Đối với nhóm đất nông nghiệp: Giá đất trồng lúa nước và giá đất trồng cây hàng năm còn lại ở vùng đồng bằng cơ bản giữ ổn định như giá đất năm 2010; có điều chỉnh tăng ở một số xã miền núi, mức tăng từ 1.000 đồng/m2 đến 8.000 đồng/m2. Giá đất trồng cây lâu năm ở các xã, phường, thị trấn vùng đồng bằng cơ bản giữ ổn định như giá đất năm 2010, có điều chỉnh tăng 20.000 đồng/m2 ở các phường thuộc TX Sông Cầu; ở các xã miền núi có điều chỉnh tăng, mức tăng từ 1.000 đồng/m2 đến 3.000 đồng/m2. Giá đất rừng sản xuất hầu hết giữ ổn định như giá đất năm 2010; có tăng ở một số xã miền núi mức tăng từ 200 đồng/m2 đến 2.000 đồng/m2, cá biệt ở xã Xuân Lâm TX Sông Cầu có mức tăng 10.000 đồng/m2. Giá đất nuôi trồng thủy sản và giá đất làm muối vẫn giữ ổn định như năm 2010.
Cơ quan thường trực thực hiện dự án Xây dựng bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh năm 2011 cho biết: Quá trình xây dựng bảng giá đất được tiến hành từ cơ sở lên đến cấp tỉnh theo đúng trình tự, nội dung của pháp luật quy định. Bảng giá các loại đất năm 2011 được UBND ban hành hoàn toàn phù hợp với khung giá đất do Chính phủ quy định tại Nghị định số 123/2007/NĐ-CP. Các mức giá này tạo điều kiện để kết hợp hài hòa giữa 7 chính sách tài chính liên quan đến giá đất, sẽ có tác động tích cực đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, đời sống của các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.
MINH CÔNG
(Sở Tài nguyên và Môi trường)