Trước đây, do thiếu vốn sản xuất chăn nuôi nên cuộc sống người dân thôn Phú Liên (xã An Phú, TP Tuy Hòa) gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên hiện nay, bộ mặt của thôn đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của bà con được cải thiện rõ rệt. Bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực của cả cộng đồng, thành quả đó có sự đóng góp của ông Nguyễn Bá Huệ, Chủ nhiệm CLB Gia đình tiết kiệm thôn Phú Liên.
Ông Huệ chăm sóc bò của gia đình - Ảnh: X.HUY |
Phú Liên là vùng đất bán sơn địa, nằm ở phía tây xã An Phú; kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào chăn nuôi bò, trồng cây ngắn ngày. Thấy cuộc sống quê mình khó khăn, nhiều đêm ông Huệ thức trắng, trăn trở là làm thế nào để mình và những người trong thôn thoát nghèo, ngày càng làm ăn khấm khá hơn. Những dự định, kế hoạch ông đặt ra, suy đi tính lại thì ổn nhưng khi bắt tay thực hiện đều không thành. Cuối cùng, sau những lần thất bại, ông chợt hiểu: “Thì ra lâu nay mình ít vốn nên làm gì cũng nửa dơi nửa chuột, sau khi kết quả thất bát thì không dám làm tiếp, không nghĩ được cách làm hay, hướng đi mới. Do đó, tiết kiệm là cách tốt nhất và phải vận động bà con cùng tiết kiệm để góp vốn giúp nhau xóa đói giảm nghèo”. Ngày 14/2/2004, ông Huệ đề xuất dự án thành lập CLB Gia đình tiết kiệm trình lên UBND xã An Phú và được UBND xã cho phép hoạt động. Ban đầu, ông vận động được 10 hộ tham gia CLB với số vốn góp là 360.000 đồng/thành viên. Với số vốn ít ỏi này, ông thuyết phục các thành viên CLB ưu tiên cho những hộ khó khăn nhất vay trước để mua phân bón, sửa sang chuồng trại, mua con giống đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi.
Sau đó, ông tiếp tục vận động mỗi hộ thành viên tiết kiệm 2.000 đồng/ngày để góp vào quỹ. Đến năm 2009, số tiền góp tăng lên 3.500 đồng/ngày. Hiện nay, số thành viên CLB đã lên đến hơn 40 với số tiền góp vào quỹ hàng trăm triệu đồng. Có số tiền lớn, ông Huệ bàn với các thành viên chia vốn góp của CLB thành 2 loại: vốn lưu động và vốn dự phòng. Vốn lưu động được nhập vào quỹ Hỗ trợ nông dân TP Tuy Hòa và được hội cho phép giữ lại sử dụng đầu tư, hỗ trợ các thành viên CLB. Phần vốn lưu động, CLB cho các hộ vay để tăng thêm vốn sản xuất cho gia đình với lãi suất thấp (1%/tháng). Nhờ việc huy động, cho vay kịp thời, minh bạch, đúng đối tượng, số tiền vay, mượn đều được hoàn trả đúng hạn, đầy đủ, kinh tế hộ gia đình từng bước đi lên. Nhờ thế, CLB được Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Hội Nông dân xã An Phú liên tục bổ sung vốn, giúp có nguồn mở rộng đầu tư. Lúc mới thành lập, trong CLB có 4 hộ nghèo, 7 hộ rất khó khăn, số còn lại hầu hết đời sống còn rất bấp bênh. Tuy nhiên chỉ sau một thời gian tham gia, nay các hộ này đã thoát nghèo hoàn toàn. Hiện 100% hộ thành viên CLB có đời sống khá, trong đó có một số hộ giàu; 80% hộ thành viên được công nhận gia đình văn hóa 3 năm liền. Đặc biệt, vào tháng 6/2010, các thành viên CLB và người dân Phú Liên đã góp hơn 16 triệu đồng xây dựng ngôi đình đầu tiên ở đây. Anh Trần Văn Phương ở thôn Phú Liên, thành viên CLB, cho biết: “Trước khi tham gia CLB, nhà tôi thuộc diện nghèo, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Nhờ tham gia CLB và được anh Huệ, các anh em tận tình chỉ bảo, hiện gia đình tôi đã thoát nghèo và ổn định cuộc sống”.
Ông Huệ cũng đã tìm tòi, học hỏi những tiến bộ khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm trong sản xuất để truyền đạt, hướng dẫn các thành viên CLB áp dụng. Nhờ đó sản xuất, chăn nuôi của các hộ thành viên đều đạt hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, ông Huệ còn tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, vận động các thành viên CLB chấp hành, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, quy chế dân chủ cơ sở, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Với những thành tích trên, ông Huệ được UBND tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, TP Tuy Hòa tặng nhiều bằng khen, giấy khen, là một trong những điển hình “Dân vận khéo” của tỉnh Phú Yên năm 2009-2010.
Ông Nguyễn Bá Huệ nói giản dị: “Tôi và anh em trong CLB chỉ cố gắng thực hành tiết kiệm theo lời dạy của Bác Hồ. Nhờ tiết kiệm cùng với chăm chỉ lao động, làm ăn, chúng tôi sống đàng hoàng hơn, nhân ái hơn…”.
ĐÌNH MAI