Giám đốc Công ty TNHH Nông lâm Hồng Hà (Cty Hồng Hà) cho rằng Chủ nhiệm HTX
Ông Trần Tấn Khoa và đậu bắp của nông dân Nam An Nghiệp trước cửa Công ty Hồng Hà - Ảnh: Ly Kha
Luật sư Lê Hồng Duật, Văn phòng Luật sư số 1 tỉnh Phú Yên: Cắt hợp đồng thu mua vì dân cung cấp tin cho báo chí là sai luật! Việc nông dân phản ánh và cung cấp thông tin cho báo chí không phải là căn cứ pháp lý để công ty chấm dứt hợp đồng bao tiêu sản phẩm đối với họ bởi điều này không thể hiện trong nội dung hợp đồng và không theo quy định của Bộ Luật Dân sự (BLDS). Nếu công ty đơn phương cắt đứt hợp đồng thu mua thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất theo quy định tại Khoản 2, Điều 307 của BLDS: “là trách nhiệm bù đắp tổn thất vật chất thực tế, tính được thành tiền do bên vi phạm gây ra, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút”. Về việc ký phụ lục hợp đồng, nếu xác định được một bên lợi dụng thời điểm khó khăn của bên còn lại để buộc phải ký phụ lục hợp đồng dẫn đến vi phạm nguyên tắc “tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng” trong giao kết hợp đồng dân sự theo khoản 2, Điều 389 BLDS thì phụ lục hợp đồng đó vô hiệu.
Sáng 1-9-2006, như thường lệ, Chủ nhiệm HTX Nam An Nghiệp Trần Tấn Khoa đưa 662 kg đậu bắp vào xưởng chế biến của Cty Hồng Hà tại KCN An Phú (TP Tuy Hòa) thì được người phụ trách khâu nhập nguyên liệu của công ty này nói rằng lệnh của giám đốc không nhập đậu bắp của HTX Nam An Nghiệp để... chờ ông chứng minh tỉ lệ thiệt hại 300% sản lượng như đã cung cấp cho báo chí. Trong khi đậu bắp của những HTX khác được cho nhập vào xưởng chế biến, thì mấy trăm kg đậu bắp của nông dân An Nghiệp bị phơi nắng trước cổng xưởng. Khoảng hơn 1 giờ sau thì ông Phan Phú Việm, Giám đốc Cty Hồng Hà xuất hiện và đứng ngay trước cổng để tranh luận với ông Khoa hơn nửa giờ đồng hồ.
Cuối cùng thì Cty Hồng Hà cũng chấp nhận thu mua sản phẩm của bà con Nam An Nghiệp do ông Trần Tấn Khoa mang đến vào sáng 1-9. Thế nhưng, theo phản ánh của các nông dân trồng đậu bắp ở Nam An Nghiệp, từ sau ngày 1-9 cho đến ngày 5-9, công ty này đã áp dụng “biện pháp mạnh” trừ bình quân 35-51% sản lượng thu mua vào với lý do là đậu bắp có cạnh bị xây xát! Tuy nhiên, theo hợp đồng và phụ lục hợp đồng giữa công ty và HTX Nam An Nghiệp mà chúng tôi có được, thì không có quy định nào nói “trái có cạnh bị xây xát” thuộc điều khoản không thu mua cả!
Trong hai buổi làm việc trực tiếp với phóng viên Báo Phú Yên vào ngày 29-8 và 1-9, ông Phan Phú Việm cho rằng: “Việc thay đổi kích cỡ trái là thực hiện theo mẫu hàng mới, nhằm mục đích quản lý được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên trái”. Tuy nhiên, theo lời các chuyên gia về bảo vệ thực vật, thì lý luận của ông giám đốc Cty Hồng Hà là không có cơ sở. Càng đáng nói hơn, khi chúng tôi yêu cầu cho xem bản kiểm nghiệm có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên trái đậu bắp, ông Việm cho rằng: “Chỉ thông báo với nhau như người trong nhà thôi chứ không có văn bản”. Còn trong sổ nhật ký kiểm định mẫu hàng hóa của công ty này, có tổng số 19 mẫu được kiểm định từ ngày 17-3-2006 đến ngày 1-7-2006 chỉ có 2 mẫu có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, nhưng được nhận xét là “ở mức an toàn, không gây ngộ độc”!
Theo nhận định chủ quan của chúng tôi, Cty Hồng Hà đã chủ động gây khó cho nông dân trồng đậu bắp. Chúng tôi đề nghị các cơ quan hữu quan cần có biện pháp bảo vệ quyền lợi cho nông dân.
QUỐC KHƯƠNG - LY KHA