Thứ Bảy, 05/10/2024 04:20 SA
Thủy sản ở đầm Ô Loan (huyện Tuy An):
Vừa hồi sinh lại bị tận thu
Thứ Ba, 21/12/2010 07:30 SA

Đầm Ô Loan đang được hồi sinh bởi nhiều loài thủy sản đặc trưng của đầm đã xuất hiện trở lại với số lượng lớn như cua xanh, ghẹ, sò huyết, vẹm xanh, sò điệp, hàu, cá mú, cá hồng... Tuy nhiên, việc khai thác theo kiểu tận thu và hủy diệt của một số người dân sống xung quanh đầm như hiện nay có thể làm cho nguồn lợi thủy sản ở đây cạn kiệt...

 

s101221.jpg

Người dân sống quanh đầm Ô Loan trúng đậm vẹm xanh - Ảnh: A.NGỌC

 

VỪA HỒI SINH ĐÃ TẬN THU

 

Sau đợt mưa lụt hồi tháng 11 vừa qua, đa số các ao hồ nuôi tôm xung quanh đầm Ô Loan không còn nuôi, đồng thời cửa biển Tân Quy được thông nên chất lượng nước trong đầm được cải thiện tốt hơn, tạo thuận lợi cho nhiều loài thủy sản sinh sôi nảy nở. Gần một tháng nay, nhiều loài thủy sản đặc trưng của đầm Ô Loan đã xuất hiện trở lại với số lượng nhiều như cá mú, cá hồng, cua xanh, sò huyết, điệp. Đặc biệt, vẹm xanh và hàu lâu nay chỉ được bà con nuôi thì nay xuất hiện nhiều ở môi trường tự nhiên. Ông Lê Văn Kháng, Tổ trưởng tổ hợp tác thủy sản Phú Hiệp, xã An Hiệp, cho biết: “Hiện nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao xuất hiện nhiều, đang được bà con đánh bắt như cua y, ghẹ, tôm, cá hồng, cá mú. Người dân địa phương thu nhập kha khá từ đánh bắt”.

 

Bà Huỳnh Thị Đắc ở thôn Phú Sơn (xã An Ninh Đông, huyện Tuy An), cho biết: “Bắt sò huyết giỏi nhất ở đầm Ô Loan hiện nay là người dân ở thôn Phú Sơn. Khoảng 5 năm nay, sò huyết ở đầm Ô Loan gần như biến mất, nhưng một tháng nay, sò huyết xuất hiện nhiều trở lại. Mỗi ngày ở thôn Phú Sơn có trên dưới 100 người đi bắt sò huyết, bình quân mỗi người bắt được khoảng 3-4kg. Chúng tôi “mò” gặp thứ gì bắt thứ nấy như hàu, điệp, vẹm xanh… chứ không phải chỉ đơn thuần bắt sò huyết”. Theo những người chuyên bắt sò huyết, bắt sò huyết không cần nhiều dụng cụ, chủ yếu là dùng chân trần chịu khó rà dưới bùn. Khi gặp sò huyết thì dùng chân kẹp lại rồi gắp lên chứ không phải lặn xuống, vừa tốn sức lại tốn thời gian. Do vậy, khi sò huyết xuất hiện, họ “ra quân” ngay.

 

Bà Nguyễn Thị Ân ở thôn Phú Sơn, xã An Ninh Đông, một trong những người mua sò huyết, cho biết: “Từ ngày sò huyết xuất hiện nhiều trở lại đến nay, mỗi ngày tôi mua trung bình khoảng 100kg, có ngày trên 150kg”. Ở thôn Phú Sơn hiện có 3 người mua sò huyết. Sò huyết có ba loại: loại 1 dưới 30 con/kg, có giá 100.000 đồng/kg; loại 2 từ trên 30-75 con/kg, có giá 50.000 đồng/kg; loại 3 trên 75 con/kg, có giá 25.000 đồng/kg. Tuy nhiên, số lượng sò loại 3 mua được rất nhiều, chủ yếu là những con sò lớn bằng đầu ngón tay, có khi vài trăm con mới được 1kg. Sò loại 1 và loại 2 được những người mua bán lại cho những nhà hàng trong tỉnh, còn sò loại 3 bán ở chợ. “Vì sò loại 3 nhỏ quá nên nhiều người mua về rồi dùng chảo rang lên để ăn chứ không thể nướng được vì sẽ lọt xuống khỏi vỉ nướng…”, bà Ân nói vậy.

 

sd101221.jpg

Mua sò huyết ở đầm Ô Loan  - Ảnh: A.NGỌC

 

TIỀM ẨN NGUY CƠ TUYỆT CHỦNG

 

Việc người dân có nhiều kiểu đánh bắt mang tính tận thu, hủy diệt khiến nhiều loài thủy sản trong đầm có khả năng bị tuyệt chủng. Ngoài châm điện thì bóng Thái Lan đang thịnh hành. Ông T.H.T ở thôn Phú Tân 1, xã An Cư (Tuy An), cho biết: “Hiện trên địa bàn xã An Cư có khoảng trên dưới 20 người hành nghề bóng Thái Lan. Mỗi dây bóng ở đây thường dài khoảng 20m, mỗi người hành nghề này có ít nhất khoảng 5 dây”. Khi người dân đánh bắt bằng bóng Thái Lan, những loài thủy sản bằng đầu đũa trở lên đều chui vào bóng, kể cả các loài ốc. Nhiều người dân đang ăn nên làm ra nhờ đánh bắt cua xanh giống bằng bóng Thái Lan.

 

Bóng Thái Lan có tác hại lớn đến môi trường sống của nhiều loài thủy sản nên Nhà nước đã cấm đánh bắt bằng loại phương tiện này. “Những người đến địa bàn xã An Hải để bắt sò huyết chủ yếu người ở An Ninh Đông. Sò huyết mới vừa xuất hiện trở lại, nhưng bắt tận thu như vậy e rằng sò huyết sẽ biến mất như các năm trước”, ông Ngô Văn Yêm, Phó Chủ tịch UBND xã An Hải lo lắng. 

 

Ông Trần Sáu, Phó phòng NN-PTNT huyện Tuy An cho biết: “Việc dùng bóng Thái Lan và đánh bắt thủy sản không đúng kích cỡ đã bị Nhà nước cấm. Phòng NN-PTNT huyện sẽ tham mưu cho UBND huyện Tuy An chỉ đạo UBND các xã ven đầm tổ chức tuyên truyền cho người dân vừa khai thác, vừa bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong đầm. Đồng thời, các xã nên phối hợp chặc chẽ trong công tác quản lý phương tiện đánh bắt và diện tích mặt nước đầm mà địa phương quản lý”.

Trước đây, nhiều loài thủy sản sống trong đầm Ô Loan bị cạn kiệt, có loài tưởng chừng tuyệt chủng như sò huyết. Điều này do nhiều nguyên nhân, trong đó việc khai thác theo kiểu hủy diệt, hay nước đầm Ô Loan bị ô nhiễm nặng bởi rác thải và những hóa chất diệt tạp trong quá trình nuôi tôm là những tác nhân quan trọng. Gần đây nhất là khoảng tháng 5/2010, cá sinh sống tự nhiên trong đầm bị chết hàng loạt…

 

ANH NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek