Chủ Nhật, 06/10/2024 15:23 CH
Sản xuất vụ đông xuân 2010-2011:
Khó khăn đang chờ nông dân
Thứ Sáu, 03/12/2010 13:30 CH

Mưa kéo dài trong nhiều tháng qua đã gây sạt lở nhiều kênh mương, đồng ruộng bị bồi lấp, cộng với giá vật tư nông nghiệp tăng cao - đang đẩy nông dân vào thế “bí”: bỏ ruộng thì thương, mà vương thì... lỗ. Hơn lúc nào hết, bài toán giảm chi phí cho nhà nông đang được các cấp, ngành đặt ra.          

 

MSL101203.gif

Kênh mương Phú Vang (xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa) thuộc hệ thống thủy nông Đồng Cam bị bồi lấp gần 1km - Ảnh: L.BIẾT

 

RUỘNG BỊ BỒI LẤP, KÊNH MƯƠNG SẠT LỞ

 

Theo kế hoạch sản xuất vụ lúa đông xuân 2010-2011 ở Phú Yên, thời gian gieo sạ bắt đầu từ ngày 20/12/2010 đến ngày 10/1/2011, diện tích xuống giống dự kiến hơn 25.000ha. 

 

Khó khăn nhất hiện nay là hàng loạt công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh vẫn đang chìm trong nước do mưa kéo dài trong nhiều ngày qua. Việc khôi phục tạm thời hay kiên cố đều không thể thực hiện được trong ngày một ngày hai. Huyện Tuy An là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất. Ngoài 44 công trình kênh mương, đập bị bồi lấp, phá vỡ, địa phương này đang đối mặt với tình trạng thiếu đất sản xuất vì các cánh đồng ven sông, suối bị đất đá, rác rưởi bồi lấp. Ông Nguyễn Vũ Hành, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy An cho biết: “Huyện vận động người dân khi nước rút đến đâu khẩn trương làm vệ sinh đồng ruộng đến đó để có thể sản xuất được trong thời gian sớm nhất. Đối với 762ha lúa vụ 10- 12 bị thiệt hại do các đợt mưa lũ vừa qua, không có cách nào khác, các xã, thị trấn động viên bà con chăm sóc một số diện tích còn khả năng hồi phục. Những diện tích mất trắng thì chuyển sang trồng một số cây trồng khác để có thu nhập”.

 

Tại huyện Tây Hòa, đến ngày 1/12, gần 1/3 diện tích canh tác lúa vẫn còn ngập trong nước. Ông Nguyễn Hữu Pháp, trưởng phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa cho biết:Giống để gieo sạ thì huyện có thể tự cân đối được, nhưng nan giải nhất hiện nay là nhiều cánh đồng bị ngập nước nên việc khôi phục hệ thống kênh mương gặp nhiều khó khăn, việc chậm thời vụ là điều khó tránh khỏi”.

 

 Ông Biện Minh Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên nói:  Hai việc hết sức cần thiết hiện nay là các địa phương quản lý các công trình thủy lợi nhỏ phải khẩn trương nạo vét các công trình khi nước rút. Mặt khác, Công ty TNHH một thành viên thủy nông Đồng Cam khẩn trương khắc phục hệ thống kênh mương để phục vụ tưới cho hơn 19.000ha do công ty quản lý. Về giống, sở đang kiến nghị Trung ương hỗ trợ một phần giống để cấp phát cho nhân dân ở các vùng bị ngập lụt có điều kiện vào vụ sản xuất”

 

GIÁ PHÂN TĂNG CAO

 

Hơn 10 ngày nay, kể từ khi Công ty TNHH một thành viên phân bón Đạm Phú Mỹ thông qua DNTN Hồng Cẩm (TP Tuy Hòa) triển khai chương trình bán phân bình ổn giá cho nông dân, cũng là lúc hàng trăm nông dân Phú Yên đổ xô đến bốn cửa hàng của doanh nghiệp này để được mua phân. Cửa hàng chính đặt tại 223 Nguyễn Huệ (TP Tuy Hòa) ngày nào cũng đông nghịt người. Nhiều nông dân từ các xã: Hòa Thắng, Hòa Định, Hòa Quang (huyện Phú Hòa) đến cửa hàng từ tờ mờ sáng để được nộp sổ hộ khẩu mua phân đạm theo tiêu chuẩn. Có người bỏ cả buổi trưa để chờ đến lượt mình mua phân.

 

Sở dĩ xảy ra tình trạng này là trong vòng một tháng nay, giá phân bón đột ngột tăng cao, nhất là phân DAP và phân đạm. Nhiều cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp treo biển không có phân DAP. Riêng phân đạm, cách đây hai tháng, giá chỉ 7.400 đồng/kg, nay tăng vọt lên đến 9.200 đồng/kg. Nếu mua phân đạm từ các đại lý, nông dân phải trả 460.000-470.000 đồng/bao loại 50kg, trong khi mua đạm Phú Mỹ từ chương trình bán hàng bình ổn giá của DNTN Hồng Cẩm thì chỉ trả 370.000 đồng/bao. Ông Bùi Văn Phúc ở thôn Đông Phước xã Hòa An (huyện Phú Hòa) cười buồn nói: Giá lúa tuy có tăng, nhưng nếu so với mức tăng của phân thì chẳng thấm vào đâu. Mua một bao phân, tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó.

 

Từ khi triển khai chương trình bán phân bình ổn giá (ngày 8/11), đến nay DNTN Hồng Cẩm đã xuất bán trên 300 tấn phân cho nông dân Phú Yên. Hiện nay do nguồn cung hạn chế, đồng thời để mở rộng chương trình về các xã, thay vì mỗi hộ nông dân được mua tối đa hai bao phân đạm giá rẻ, đơn vị cung cấp đã giảm chỉ tiêu xuống còn mỗi hộ được mua một bao (loại 50kg).  Bà Đinh Thị Kháng, Giám đốc DNTN Hồng Cẩm cho biết: Doanh nghiệp đã kiến nghị Công ty TNHH một thành viên phân bón Đạm Phú Mỹ cung cấp đủ hàng để mỗi nông dân Phú Yên được mua phân đạm giảm giá theo chủ trương của Nhà nước.

 

BÀI TOÁN GIẢM CHI PHÍ CHO NHÀ NÔNG

 

 Bà Nguyễn Thị Tùng ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa) tính toán: Vợ chồng bà làm 7 sào ruộng, năm nào được mùa thu hoạch chừng 2 tấn lúa. Vụ hè thu vừa qua, chỉ riêng tiền phân đến 4,2 triệu đồng. Nếu tính cả chi phí thuốc trừ sâu, công cày, thu hoạch khoảng 300.000 đồng/sào, chỉ lời được 50.000 đồng/sào. Nhưng nhà nông không làm ruộng thì không biết xoay đâu ra tiền để mua gạo ăn, coi như làm ruộng là bỏ công để đổi lấy hạt gạo ăn giáp mùa. “Nếu tính căng ke từng khoản chi phí và với giá phân cao ngất ngưởng như hiện nay, trong khi giá lúa vẫn chỉ từ 5.200 – 5.600 đồng/kg thì nông dân cầm chắc lỗ vốn”, bà Tùng nói.

 

Ông Biện Minh Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết: Để giảm bớt nỗi lo cho nông dân, nhất là những hộ bị thiệt hại do mưa lũ, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Chính phủ hỗ trợ 152 tỉ đồng, một tấn hạt giống rau màu và 2.000 tấn gạo. Ngành Nông nghiệp cũng đang tiến hành đánh giá mức độ thiệt hại về giống và đề xuất Bộ NN-PTNT hỗ trợ lúa giống giúp nông dân Phú Yên bị thiệt hại về giống có điều kiện bước vào vụ sản xuất. Mặt khác, sở cũng sẽ phối hợp với Bộ NN-PTNT kiểm tra trên diện rộng tình hình mua - bán giống và các loại vật tư phân nông nghiệp cho nông dân nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng lợi dụng thời điểm tăng giá bán hàng không đảm bảo chất lượng, gây thiệt hại cho nông dân.

 

Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, thời vụ gieo sạ lúa đông xuân năm 2010-2011 từ ngày 20/12/2010 đến 10/1/2011. Dựa vào điều kiện đồng ruộng của địa phương việc gieo sạ tiến hành gọn theo từng vùng. Ngoài ra, tùy theo thời gian sinh trưởng của từng loại giống và điều kiện cụ thể từng vùng có thể bố trí gieo sạ cho thích hợp (các giống dài và trung ngày sạ trà đầu, giống ngắn ngày sạ trà cuối vụ), để lúa trổ bông thuận lợi sau ngày 10/3/2011 và phải phù hợp với lịch đóng nước của hệ thống thủy nông Đồng Cam.

 

Về cơ cấu giống lúa, Sở NN-PTNT khuyến cáo sử dụng bộ giống lúa chủ lực gồm: ML4-2, ML216, ML49, ML 213, ML202. Các loại giống bổ sung, gồm: ML4 tuyển, ML68, ML211, ML48, TH6… và các giống lúa mới, giống lúa lai đã khảo nghiệm có triển vọng, phù hợp với từng vùng. Theo đó, tùy theo điều kiện cụ thể  từng vùng để chọn lựa cơ cấu giống cho phù hợp, cơ cấu cho một loại giống không quá 20% diện tích, hạn chế tối đa việc sử dụng các giống lúa nhiễm rầy nâu, nhiễm đạo ôn nặng đã khuyến cáo như: IR17494, OM2695-2, DV108, D98-17, DB6, BD250... Khuyến cáo nông dân sử dụng các giống lúa cấp xác nhận 1, xác nhận 2 để gieo sạ. Các xã, hợp tác xã bố trí 3-5% diện tích gieo trồng để sản xuất lúa giống nhằm chủ động nhân giống cho vụ sau. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc áp dụng các phương pháp sạ hàng, sạ thưa hợp lý, lượng giống sạ khoảng 100-120 kg/ha. Nếu sạ lan cũng không vượt quá 140kg/ha. Đây là giải pháp hữu hiệu ngay từ đầu vụ để hạn chế rầy phát sinh và gây hại trong suốt vụ sản xuất.

 

HOÀI NAM

LÊ BIẾT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek