Thứ Hai, 07/10/2024 05:47 SA
Phòng chống dịch lở mồm long móng gia súc ở Sông Hinh:
Người nuôi thờ ơ, dịch bệnh lan nhanh
Thứ Sáu, 26/11/2010 13:00 CH

Liên tiếp nhiều ngày qua, dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên gia súc ở huyện Sông Hinh tiếp tục gia tăng. Dù vậy, hiện chưa có cách phòng dịch hiệu quả đối với đàn gia súc của huyện miền núi này.

 

Chỉ trong 4 ngày, từ 16-22/11, tại huyện Sông Hinh đã có thêm 380 con bò mắc bệnh LMLM, nâng tổng số bò bệnh của huyện lên 1.060 con và đã có 13 con bò bị chết do LMLM.

 

lmlm101126.jpg

Tập quán chăn thả rông khiến đàn bò ở huyện Sông Hinh bị dịch bệnh LMLM đe dọa.  - Ảnh: T.HƯƠNG

 

BÒ KHÔNG ĐỦ ĐIỀU KIỆN TIÊM VẮC XIN 

 

Nhiều hộ chăn nuôi gia súc ở huyện Sông Hinh cho biết, nhiều năm nay cỏ tự nhiên - nguồn thức ăn chính cho bò - không đáp ứng đủ nhu cầu nên bò thường xuyên bị thiếu ăn. Ông Ma Hiêng, người nuôi bò ở buôn Dành B (xã Ea Bia) nói: “Những năm trước, nhờ có nhiều đồng cỏ nên nguồn thức ăn cho bò dồi dào, bò to khỏe và ít bệnh. Nay diện tích các đồng cỏ ngày càng bị thu hẹp, bò của tôi thường xuyên bị thiếu thức ăn nên ốm yếu và không đủ sức khỏe để tiêm phòng, vì vậy rất dễ bị nhiễm bệnh”. Bên cạnh đó, người dân địa phương lâu nay chưa có thói quen dự trữ thức ăn cũng như bổ sung thêm cám, cháo,… vào mùa đông cho bò, vì vậy mỗi khi mùa mưa đến, trâu bò thường xuyên bị đói dẫn đến sức khỏe suy giảm, hệ thống miễn dịch kém, không đủ điều kiện để tiêm vắc xin. Một số người, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, có suy nghĩ tiêu cực, cho rằng tiêm vắc xin sẽ làm bò bị nóng và chậm lớn nên không mặn mà với việc tiêm ngừa cho trâu bò của gia đình. Chính những vấn đề còn tồn tại trên dẫn đến việc thực hiện tiêm phòng vắc xin không đạt hiệu quả. Hệ quả là, cứ vào mùa mưa hằng năm, đàn gia súc của huyện Sông Hinh bị dịch bệnh uy hiếp.

 

Theo Trạm Thú y huyện Sông Hinh, trong đợt tiêm vắc xin vừa qua, toàn huyện có khoảng 17.700 con bò được tiêm phòng, đạt 65% tổng đàn. Trong đó có nhiều hộ không chịu tiêm phòng cho gia súc nên tỉ lệ tiêm chủng rất thấp như buôn Ken (xã Ea Bá) chỉ tiêm khoảng 17%, xã Ea Bá trên 30%, xã Ea Trol gần 47%,… Ông Ma Cam, trưởng buôn Hai Riêng (thị trấn Hai Riêng) cho biết: “Hiện nay trong buôn gần như nhà nào cũng có bò bệnh. Nguyên nhân chủ yếu là bà con chưa thực hiện tốt việc tiêm phòng cho gia súc như hướng dẫn của cán bộ thú y”.

 

NGƯỜI NUÔI THỜ Ơ

 

Để đảm bảo sức khỏe của gia súc vào mùa đông, ngành chức năng khuyến cáo các đàn bò cần được cung cấp đủ thức ăn và có chuồng trại che chắn để giữ ấm cơ thể. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn huyện Sông Hinh chưa đến 50% các hộ chăn nuôi xây dựng chuồng trại cho gia súc, các đàn bò phải đứng suốt ngày đêm giữa thời tiết mưa lạnh, còn người nuôi thì thờ ơ với việc giữ sức chống dịch cho “tài sản” của mình. Mí Na ở buôn Hai Riêng cho biết: “Lâu nay tôi vẫn nuôi bò kiểu này, có cần chuồng trại gì đâu mà bò vẫn sống đấy thôi!”.

 

Một cán bộ thú y cơ sở đưa chúng tôi vào đồng cỏ, nơi có đến vài trăm con bò đang được chăn thả. Những người chăn bò tại đây cho biết, đồng cỏ này là nguồn thức ăn của tất cả số bò ở buôn Hai Riêng, Dành B và buôn Ly (xã Ea Trol). Trong khi đàn bò của buôn Hai Riêng đang bị bệnh LMLM mà người nuôi, không những ở buôn đã có dịch mà cả những buôn chưa phát dịch, vẫn vô tư thả bò ăn chung trên cùng một bãi cỏ. Ông Ma Hiêng nói: “Tuy biết thả bò ăn chung như thế là rất dễ lây bệnh, nhưng hiện nay cỏ còn rất ít, nên ở những nơi có cỏ bà con chúng tôi đều thả bò đến đấy để có thức ăn, vì nếu không thì bò cũng sẽ chết đói thôi”.

 

Trở ngại lớn trong việc phòng, chống dịch LMLM là người dân đã quen với loại bệnh này nên rất thờ ơ với dịch bệnh. Không những không hợp tác trong việc tiêm phòng mà cả việc điều trị bệnh nhiều bà con cũng “khoán” luôn cho cán bộ thú y. Ông Hoàng Kim Chung, Trưởng Trạm Thú y huyện Sông Hinh, cho biết nhiều hộ nuôi có bò bị bệnh nhưng bà con không chủ động đến báo cáo để được cấp phát thuốc và hướng dẫn cách điều trị. Đa số người dân đợi cán bộ thú y trực tiếp đến nhà kiểm tra, phát thuốc và hướng dẫn cách trị bệnh, song vì lực lượng cán bộ thú y của trạm mỏng nên công tác theo dõi, điều trị gặp nhiều khó khăn.

 

Ông Nguyễn Minh Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Phú Yên, nói: “Để hạn chế dịch bệnh lây lan trên diện rộng, ngành thú y đã triển khai nhanh công tác tiêm phòng bổ sung cho các đàn gia súc và phun thuốc tiêu độc sát trùng chuồng trại chăn nuôi. Riêng ở địa bàn huyện Sông Hinh đã thành lập 4 chốt kiểm dịch tạm thời tại các điểm giáp ranh của các xã Ea Bá - Ea Lâm, thị trấn Hai Riêng – Ea Bá, thị trấn Hai Riêng – buôn Dành B (Ea Bia) và tại buôn Thô (thị trấn Hai Riêng). Đồng thời khôi phục hoạt động của các tổ xung kích chống dịch địa phương để kiểm soát việc mua bán vận chuyển gia súc trên địa bàn và làm nhiệm vụ tiêu hủy gia súc chết để không có tình trạng vứt bừa bãi xác gia súc ra môi trường”.

 

TUYẾT HƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek