L.T.S: Vừa qua, Báo Kinh tế nông thôn cuối tuần số 30 có đăng bài “UBND tỉnh Phú Yên đã “bán mình” cho KCP như thế nào?” của nhóm tác giả Hồng Loan -–Dũng Ca đề cập đến một số vấn đề liên quan đến dự án nhà máy đường của Công ty TNHH Công nghiệp KCP -–Việt Nam tại huyện Sơn Hòa. Bài báo có những thông tin chưa chuẩn xác, thậm chí có những nhận định lệch lạc về chủ trương tiếp nhận nhà máy đường KCP từ Thừa Thiên Huế vào Phú Yên cũng như một số chính sách của UBND tỉnh Phú Yên về hoạt động của nhà máy này. Sau khi có phản hồi của UBND tỉnh Phú Yên và Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Kinh tế nông thôn đã có công văn chỉ đạo Ban biên tập Kinh tế nông thôn cuối tuần dừng ngay việc đăng các bài viết liên quan đến Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, Công ty Rượu Vạn Phát, UBND các cấp của tỉnh Phú Yên; có lời xin lỗi UBND tỉnh Phú Yên, Công ty TNHH công nghiệp KCP Việt Nam, Thanh tra tỉnh Phú Yên trên Báo Kinh tế nông thôn cuối tuần; tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân liên quan đến loạt bài trên.
Để cung cấp cho bạn đọc một số thông tin liên quan đến vấn đề trên, Báo Phú Yên xin trích đăng Công văn số 1371/UBND của UBND tỉnh Phú Yên phản hồi về bài báo “UBND tỉnh Phú Yên đã “bán mình” cho KCP như thế nào?”.
Dự án Nhà máy đường KCP VIL ở Thừa Thiên – Huế, công suất 2.500 tấn mía/ngày được Bộ Kế hoạch – Đầu tư cấp giấy phép số: 1969/GP ngày 9-8-1998 với hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài. Nhà máy bước vào sản xuất vụ đầu tiên năm 1999, nhưng do không đủ mía nên sản xuất chỉ đạt 17% công suất thiết kế, năm 2000 cũng không khá hơn. Tỉnh Thừa Thiên – Huế đã cam kết tập trung đầu tư vùng nguyên liệu bằng đất khai hoang, đất chuyển đổi lúa 1 vụ năng suất kém và các cây trồng khác kém hiệu quả, cũng như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đường sá, cầu cống, hệ thống thủy lợi… nhằm đảm bảo vận chuyển và sản xuất đủ mía cho nhà máy hoạt động ổn định lâu dài. Tuy nhiên do khó khăn nhiều mặt: khí hậu, thời tiết hết sức khắc nghiệt như hạn hán, lũ lụt liên tiếp xảy ra, điều kiện kinh phí hạn hẹp nên việc triển khai thực hiện xây dựng vùng nguyên liệu đã không đạt yêu cầu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế và Nhà máy nhiều lần cùng bàn bạc hướng xử lý nhưng vẫn không giải quyết được.
Ở tỉnh Phú Yên, thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó đã xác định cây mía là cây xóa đói giảm nghèo cho người nông dân ở các huyện miền núi. Trong chuyến công tác tại tỉnh Phú Yên, đồng chí Nguyễn Công Tạn (lúc đó là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng đã nhất trí với tỉnh về việc chọn cây mía là đúng hướng, nên đã yêu cầu tỉnh làm việc với Tổng Công ty Mía đường 2 để thu hút vốn đầu tư xây dựng nhà máy đường tại huyện Sơn Hòa, phục vụ cho chế biến cây mía tại 2 huyện Sơn Hòa và Đồng Xuân, với diện tích khoảng 20.000 ha, bởi vì bản thân tỉnh lúc đó cũng không có khả năng đầu tư. Tổng Công ty Mía đường 2 đã triển khai việc lập dự án xây dựng nhà máy đường đặt tại huyện Sơn Hòa với công suất 2.500 – 3.000 tấn mía/ngày và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng Chính phủ đã quyết định dừng xây dựng nên dự án Nhà máy đường Sơn Hòa chưa được triển khai.
Trong khi đó tại Thừa Thiên – Huế, Nhà máy đường KCP VIL lại không có nguyên liệu để sản xuất. UBND tỉnh Phú Yên đã có Văn bản số: 135/2000/BC-UB ngày
Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Phú Yên, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (100% vốn nước ngoài) chuyển nhà máy đường KCP VIL từ tỉnh Thừa Thiên – Huế đến tỉnh Phú Yên. Thực tế trong giai đoạn di chuyển nhà máy, tình hình sản xuất mía đường trong nước gặp rất nhiều khó khăn, giá đường trong nước hạ, hầu hết các nhà máy đường đều lâm vào cảnh thua lỗ. Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn cho các nhà máy.
Ngay từ lúc di chuyển nhà máy, không những tỉnh Phú Yên, mà các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cùng tìm biện pháp tháo gỡ để giúp nhà máy rút ngắn thời gian di chuyển, lắp đặt hoàn chỉnh và đưa nhà máy sớm đi vào hoạt động trước vụ mía năm 2001, nhằm khai thác có hiệu quả vùng mía của 3 huyện miền núi tỉnh Phú Yên, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân. Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Quỹ Hỗ trợ phát triển cho Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam vay 72 tỷ đồng để thực hiện việc di chuyển và ổn định sản xuất.
Huyện Sơn Hòa thuộc tỉnh Phú Yên là một huyện miền núi, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống nhân dân lúc bấy giờ rất khó khăn. Việc xây dựng nhà máy đường tại khu vực này đã được Đảng bộ, chính quyền và đại bộ phận nhân dân hết sức đồng tình và ủng hộ. Từ khi nhà máy đi vào hoạt động, việc phối hợp của Nhà máy với nông dân trong vấn đề đầu tư thủy lợi, giao thông nội đồng, phân, giống… và việc phối hợp trong vấn đề tổ chức thu mua nguyên liệu đã góp phần nâng cao được mức sống của nhân dân trong vùng lên một bước đáng kể, người dân có công ăn việc làm, yên tâm sản xuất, từng bước thoát khỏi cảnh đói nghèo. Bản cam kết của UBND tỉnh Phú Yên với Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, trong đó có việc không cho xây dựng bất kỳ nhà máy đường nào khác tại tỉnh là có cơ sở, vì thực tế nếu muốn xây dựng nhà máy đường phải đảm bảo được quy hoạch vùng nguyên liệu và sự thật thì ngay sau đó, ngày 15-6-2000 Chính phủ cũng đã có Nghị quyết 09/2000/NQ-CP không cho phép xây dựng thêm các nhà máy đường mới.
Gần 5 năm qua, thực hiện Nghị quyết 09/2000/NQ-CP và Chương trình 1 triệu tấn đường của Chính phủ, ngày 3-10-2005 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Quyết định số: 58/2005/QĐ-BNN ban hành Quy chế phối hợp trong sản xuất, tiêu thụ mía và đường. Đây chính là yếu tố quyết định cho sự thành bại trong hoạt động sản xuất kinh doanh của một nhà máy chế biến đường.
Từ những vấn đề trên, có thể nói bài viết: UBND tỉnh Phú Yên đã “bán mình” cho KCP như thế nào của Hồng Loan – Dũng Ca là một sự xúc phạm nặng nề đến chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Yên. Đây là một việc làm không thể chấp nhận được. Tiêu đề của bài báo hoàn toàn không có tính xây dựng. Tác giả bài báo chưa nhận thức được hết những khó khăn của nhân dân và nhất là đồng bào dân tộc thiểu số của huyện miền núi Sơn Hòa, một huyện anh hùng trong kháng chiến và nhất là chưa hiểu hết nỗ lực của chính quyền các cấp tại Phú Yên trong việc tìm biện pháp đẩy nhanh việc giải quyết công ăn việc làm và thực hiện xóa đói giảm nghèo cho nhân dân vùng sâu, vùng xa. Thực tế, nếu chỉ riêng tỉnh Phú Yên, dù cam kết đến mức nào cũng không thể thực hiện việc di chuyển và duy trì ổn định sản xuất của nhà máy, mà ở đây phải nói đến sự quan tâm rất lớn của Chính phủ và sự vào cuộc của các Bộ ngành trung ương.
Tỉnh Phú Yên với hơn 70% dân số sống bằng nghề nông. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã và đang có nhiều cố gắng, bằng nhiều giải pháp thu hút vốn đầu tư cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cho việc đầu tư các cơ sở chế biến gắn với vùng nguyên liệu. Tỉnh Phú Yên luôn mong muốn các cơ sở đầu tư trên địa bàn tỉnh đều đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh phát triển. Không lẽ nào các phóng viên Báo Kinh tế nông thôn chân chính lại không nhìn nhận và hiểu rõ được điều này. Chính vì lẽ đó, UBND tỉnh Phú Yên đề nghị Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam (cơ quan chủ quản của Báo Kinh tế nông thôn) và Tổng biên tập Tòa soạn Báo Kinh tế nông thôn cần xem xét lại các nội dung bài viết của các tác giả Hồng Loan – Dũng Ca và có đính chính lại trên báo. UBND tỉnh Phú Yên rất sẵn sàng gặp gỡ trao đổi với lãnh đạo của Hội và tòa soạn để làm rõ hơn một số vấn đề mà Hội và tòa soạn quan tâm.