Ngày càng có nhiều doanh nghiệp ở Phú Yên kinh doanh vận tải xe khách chất lượng cao (CLC). Tuy nhiên do công tác quản lý bị buông lỏng nên loại hình này bị biến tướng.
Hành khách luôn cần những xe khách chất lượng cao đúng nghĩa - Ảnh: Hoài Trung
Doanh nghiệp vận tải và thương mại Thuận Thảo là đơn vị đầu tiên ở Phú Yên tham gia lĩnh vực vận tải hành khách CLC. Tiếp sau Thuận Thảo, một số đơn vị khác như HTX vận tải cơ giới đường bộ TP Tuy Hòa, Quốc Tường cũng tham gia vào lĩnh vực này. Gần đây số lượng phương tiện có gắn phù hiệu xe chất lượng cao ở Phú Yên ngày càng nhiều. Phần lớn các đầu xe thường mang biển số kiểm soát 53 (TP Hồ Chí Minh), hoạt động dưới danh nghĩa của một số đơn vị vận tải của TP Hồ Chí Minh như Đông Bắc, Cửu Long… với tuyến vận tải cố định từ Tuy Hòa đi TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên tất cả các đầu xe này đều là của tư nhân ở Phú Yên đầu tư nhưng núp bóng các HTX vận tải ngoài tỉnh để có thể tham gia vận tải hành khách CLC.
Theo Sở Giao thông Vận tải Phú Yên, hiện đơn vị này đang quản lý 10 tuyến vận tải CLC trong đó có 7 tuyến liên tỉnh gồm Tuy Hòa – Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Nha Trang, Buôn Ma Thuột, Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh và 3 tuyến nội tỉnh từ Tuy Hòa đi Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh. Tổng số có 94 đầu xe CLC loại một được gắn phù hiệu xe chất lượng cao.
Sự xuất hiện ngày càng nhiều các phương tiện vận tải hành khách CLC đã tạo nên sự sôi động đối với lĩnh vực vận tải hành khách. Tuy nhiên, sự phát triển tự phát này cũng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, thậm chí bát nháo. Theo qui định của Cục đường bộ Việt
Ngoài ra, nhiều đầu xe CLC còn vi phạm về gắn biển quảng cáo, phát hành vé và nghiêm trọng hơn cả là hiện tượng chạy lòng vòng đón khách sai luồng tuyến qui định. Hiện nay, ngoài các điểm bán vé ở bến xe liên tỉnh, một số đầu xe ở khu vực phường Phú Lâm còn tổ chức nhiều điểm bán vé ở Phú Hiệp, Phú Thứ, Hòa Phong, Hòa Đồng… Đây cũng chính là những bến “cóc” của các đầu xe CLC nhằm tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực vận tải hành khách. Do tổ chức “chui” (nhưng được các cơ quan chức năng làm ngơ) nên tại đây hành khách chỉ nhận được phiếu đặt chỗ. Nếu hành khách có nhu cầu lấy vé (mà thường chỉ là cán bộ công chức được cử đi công tác) có yêu cầu thì nhà xe mới lấy vé còn hầu hết hành khách thường không lấy vé. Điều này có thể dẫn đến việc nhà xe trốn tránh các khoản phải đóng góp cho Nhà nước khi không khai báo đúng số lượng hành khách đi xe. Song những việc làm không theo đúng qui định về hoạt động của loại hình xe khách CLC chưa nghiêm trọng bằng việc nhiều xe gắn biển CLC nhưng vẫn chạy lòng vòng đón khách sai luồng tuyến. Theo phản ánh của nhiều hành khách, gần đây một số đầu xe ở khu vực phường Phú Lâm đã xuất bến không đúng giờ, đón trả khách không đúng nơi qui định. Có trường hợp xe chỉ được phép chạy tuyến Tuy Hòa – Bến xe miền Đông nhưng vẫn đưa phương tiện lên đón khách ở Hòa Bình, Hòa Phong dẫn tới việc tranh giành khách và xung đột theo kiểu “xã hội đen” với một đầu xe CLC khác chạy tuyến Sông Hinh – Bến xe miền Đông.
HOÀI TRUNG