Thời gian qua, công tác giao đất lâm nghiệp ở Phú Yên có nhiều tồn tại. Đối với các tổ chức, việc giao đất không tiến hành cắm mốc ngoài thực địa. Do đó, việc xác định ranh giới sử dụng đất giữa chính quyền sở tại và tổ chức chưa rõ ràng dẫn đến phát sinh việc lập phương án giao đất của địa phương chồng lấn hoặc bỏ sót.
Tình trạng rừng bị phá, đốt làm rẫy vẫn còn xảy ra phổ biến - Ảnh: N.T
Ở huyện Sông Cầu, Phòng Tài nguyên - Môi trường đã tham mưu cho UBND huyện giao 416,5 ha đất lâm nghiệp cho 170 hộ dân và một tổ chức trong lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Cầu. Ở các huyện, việc giao đất cho hộ gia đình, cá nhân chủ yếu căn cứ vào bản đồ kết quả kiểm tra rừng và đất lâm nghiệp có được theo Chỉ thị 286/TTg trước đó, hoặc chỉ căn cứ vào hồ sơ lâm bạ, kê khai của chủ sử dụng đất mà không căn cứ vào hiện trạng rừng, đất lâm nghiệp và tài liệu quy hoạch 3 loại rừng đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nên xảy ra nhiều trường hợp thiếu chính xác. Nhiều nơi thực hiện giao đất không đúng trình tự thủ tục như không kiểm tra thực địa; không tiến hành cắm mốc giao đất nên phần lớn các lô đất không phân định rõ được ranh giới dễ dẫn đến tranh chấp; chưa lập hồ sơ địa chính, bản đồ giao đất sau khi giao cho hộ gia đình, cá nhân quản lý sử dụng. Qui trình giao đất lâm nghiệp còn thiếu sự phối hợp cơ quan bảo vệ rừng nên giao đất lâm nghiệp không gắn với đánh giá thực trạng rừng trên đất lâm nghiệp. Phần lớn diện tích đất lâm nghiệp được giao cho hộ gia đình quản lý sử dụng là đất có rừng, song mức hưởng lợi về rừng chưa được triển khai, chưa khuyến khích được họ chăm sóc, bảo vệ rừng. Từ việc giao đất chưa được thực hiện nghiêm túc ở một số địa phương mà trong thời gian qua, nhiều hộ nhận rừng đã sử dụng không đúng mục đích.
Chi cục trưởng Kiểm lâm Phú Yên Cao Hữu Lộc cho biết: Kiểm tra của các đơn vị kiểm lâm trong tỉnh cho thấy có rất nhiều trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích. Cụ thể như giao rừng để khoanh nuôi bảo vệ rừng thì bị chặt phá, khai thác gỗ củi trái phép như ở khu vực Trảng Tướng thuộc xã Hoà Định Tây (Phú Hoà) có 5 hộ gia đình nhận 7,3 ha rừng phòng hộ trong trạng thái rừng IIa (rừng non) với mục đích khoanh nuôi bảo vệ rừng thì đã tự ý phát dọn trồng rừng sản xuất. Còn giao đất trồng rừng thì chỉ trồng cây nông nghiệp, cây công nghiệp ngắn ngày, như trường hợp ở xã Sơn Thành Tây (Tây Hoà), có 8 hộ đã phát dọn 19,3 ha rừng tự nhiên làm rẫy trồng sắn, hoặc như trường hợp ông Trương Minh Quân ở xã Sơn Hội (Sơn Hoà) được giao 13 ha đất lâm nghiệp, trong đó có 2 ha rừng thì đã phát dọn trắng toàn bộ diện tích được giao đưa vào sản xuất nông nghiệp. Tình hình này xảy ra phổ biến ở hầu khắp các địa phương mà chưa được ngành Tài nguyên và Môi trường- đơn vị giao đất, quản lý đất đai kiểm tra, xử lý thoả đáng.
Cũng theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Phú Yên, tình hình phát rừng làm rẫy đang có chiều hướng gia tăng ở nhiều địa phương. Chỉ tính trong mùa khô năm nay, lực lượng kiểm lâm đã xử lý 68 vụ phá rừng làm rẫy, gây thiệt hại 20,4 ha rừng. So với cùng kỳ năm trước, về số vụ tăng 14,8%, nhưng về diện tích tăng 52%. Diện tích rừng bị xâm hại vừa qua chủ yếu là rừng tự nhiên bao gồm 1,5 ha rừng đặc dụng, 14 ha rừng phòng hộ và 4,8 ha rừng sản xuất. Đó là chưa kể hàng chục vụ khác đang còn trong quá trình xác minh, điều tra làm rõ. Tại kỳ họp HĐND các huyện miền núi Sơn Hoà, Sông Hinh gần đây đều lên tiếng báo động nạn phát rừng làm nương rẫy đang có chiều hướng tái phát trở lại. Như ở huyện Sơn Hoà, năm 2005, tại xã Sơn Hội có 28 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp và 4 vụ phát rừng làm rẫy làm thiệt hại 11,2 ha chưa được xử lý nghiêm minh thì từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện này lại phát hiện 39 vụ phát rừng làm rẫy và 32 vụ lấn chiếm trái phép đất lâm nghiệp làm thiệt hại 20,7 ha rừng.
Tình trạng phá rừng làm rẫy gia tăng trong thời gian gần đây có nguyên nhân do một số mặt hàng nông sản như mía, sắn được giá nên người dân liều lĩnh xâm phạm tài nguyên rừng. Mặt khác, còn có nguyên nhân tồn tại trong giao đất lâm nghiệp vừa qua cùng sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền cơ sở và các ngành liên quan kể cả việc xử lý nghiêm các trường hợp vị phạm chưa thật nghiêm minh.
Để kịp thời chấn chỉnh việc sử dụng đất lâm nghiệp, các địa phương cần tiến hành kiểm tra toàn diện công tác giao đất, cho thuê đất trong thời gian vừa qua để có biện pháp khắc phục những tồn tại nói trên. Đối với những trường hợp giao đất không đúng đối tượng, chuyển nhượng trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích cần phải được thu hồi. Hầu hết hộ gia đình nhận đất lâm nghiệp không có vốn đầu tư phát triển rừng, ngành lâm nghiệp và chính quyền địa phương nên có phương án hỗ trợ cây giống, kỹ thuật để họ có điều kiện trồng rừng theo mục đích giao đất, đồng thời có chính sách khuyến khích người dân quản lý, bảo vệ rừng.