Thứ Ba, 08/10/2024 01:17 SA
“Chợ di động” mùa mưa lũ
Thứ Bảy, 13/11/2010 18:30 CH

Tại các thôn, buôn miền núi, do giao thông cách trở nên vài ngày, thậm chí cả tuần người dân mới đi chợ một lần. Mùa nắng còn đỡ, vào mùa mưa đường lầy lội khó đi, chợ thường bị ngập nước nên hoạt động mua bán cũng đình trệ. Tuy nhiên, nhờ có “chợ di động” nên người dân miền núi có thể mua được những nhu yếu phẩm trong mùa mưa lũ...

 

cho-di-dong1101113.jpg

Một “chợ di động” tại xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh)  - Ảnh: X.HUY

 

Ở miền núi, chợ thường tập trung ở khu vực đông dân cư như thị trấn, thị tứ nên người dân muốn đi chợ phải lội bộ hay đạp xe hàng mấy cây số đường rừng. Nắm bắt được điều đó, một số người đã vận chuyển hàng hóa lên những vùng này để bán cho bà con. Hiện nay, hầu hết các con đường ở miền núi được bê tông hóa, láng nhựa, nên “chợ di động” xuất hiện ngày càng nhiều. Chỉ cần một chiếc xe máy đủ sức “cày” đường núi, vài giỏ cần xé, thanh gỗ gắn bên hông xe treo đủ loại cá, thịt, mắm, bầu, bí, chanh, ớt, tỏi, xoong, nồi…, người bán có thể đi đến bất cứ nơi đâu. Đến mỗi thôn, buôn, họ dừng xe, cất tiếng mời chào người dân đến mua hàng. Sau, người mua quen tiếng, nghe tiếng xe máy đến gần là có mặt.

 

Mỗi chuyến thường chở nặng gần cả trăm ký nên ngoài sự chịu khó, người làm nghề này cần phải có sức khỏe dẻo dai. Bởi vào mùa mưa, đường hay bị sạt lở, ngập nước, nhiều đoạn đường đất lầy lội nên người chở hàng chỉ có thể vừa dắt vừa đẩy xe đi. Chị Trần Thị Thu Sương ở thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân), người có hơn 10 năm trong nghề, cho biết: “Mùa nắng, tôi phải dậy lúc 3 giờ rưỡi sáng để ra chợ “đóng” hàng. Vào mùa mưa thì cực hơn nhiều. Do trời nhanh tối nên mới 2 giờ sáng tôi phải dậy sắp xếp hàng và khởi hành thật sớm, tranh thủ bán cho nhanh rồi trở về nhà nhằm hạn chế mọi rủi ro trên đường”. 

 

Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền ở xã Cà Lúi, huyện Sơn Hòa, thổ lộ: “Trước đây, mỗi khi cần mua thứ gì, tôi phải băng đường rừng mới đến được chợ xã. Cả đi lẫn về mất cả ngày trời. Nay cứ vài ngày lại có người chở hàng lên bán, rất thuận tiện”. Còn Ma Din ở buôn Kít, xã Sông Hinh, nói: “Cách hai, ba ngày, mọi người lại ra ngõ ngóng xem hàng đến chưa. Đang mùa mưa lũ, bà con mình không đi chợ được nên chỉ có thể mua hàng hóa từ “chợ di động” mà thôi”.

 

Anh Cao Văn Hòa, một tiểu thương ở thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh) tâm sự: “Bán hàng cho bà con miền núi phải lấy uy tín làm đầu, nếu không họ sẽ tẩy chay mình ngay. Tôi thường lấy hàng tại các mối “ruột” nên chiết khấu không cao. Do vậy, hàng đến tay người vùng cao thường không quá mắc, lại chất lượng”. Thật vậy, hàng hóa phục vụ tận nơi nhưng giá chỉ cao hơn từ 1.000 - 2.000 đồng.

 

Do người dân miền núi thường có thói quen dự trữ thức ăn nhiều ngày nên các tiểu thương kinh doanh “chợ di động” chia lịch trình thành nhiều chặng để bán rồi cứ thế xoay vòng. Trong mỗi chuyến, họ bỏ ra khoảng 500.000 đồng vốn. Nếu hàng được bán hết, trừ chi phí xăng, nhớt, tiền sửa xe, tiền lời mỗi chuyến khoảng 100.000-150.000 đồng. Gần đây, các “chợ di động” gặp không ít khó khăn do giá cả các mặt hàng tăng cao, bà con chi tiêu tằn tiện nên tiền lời sau mỗi chuyến không còn được như trước.

 

 

HOÀNG XUÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek