Thứ Ba, 08/10/2024 01:27 SA
Chương trình định canh định cư ở Sông Hinh:
Dự án Ea Lâm chậm phát huy hiệu quả
Thứ Bảy, 13/11/2010 11:00 SA

Năm 2006, huyện Sông Hinh có 5 xã đặc biệt khó khăn, đến năm 2009 giảm xuống còn 3 xã. Thu nhập bình quân đầu người ở địa phương này hiện là 7 triệu đồng/năm, tỉ lệ hộ nghèo còn gần 29%. Có được kết quả trên phần lớn là nhờ các chương trình 134, 135, trong đó phải kể đến chính sách hỗ trợ di dân tái định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, việc di dân tái định cư cũng còn một số vướng mắc.

 

ea-lam3101112.jpg

Một góc khu tái định cư mới Ea Lâm- Ảnh: P.NAM

 

HIỆU QUẢ TỪ MỘT CHỦ TRƯƠNG LỚN

 

Huyện Sông Hinh đã phổ biến rộng rãi trong toàn dân, đặc biệt là các đối tượng thụ hưởng về chính sách di dân tái định cư. Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với nhân dân các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác điều tra, rà soát được tiến hành công khai, dân chủ từ cơ sở, với tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số khi tiến hành điều tra, khảo sát là 4.152 hộ, gần 21.000 người. Trong đó, số hộ thiếu đất thuộc quyền sử dụng ổn định theo quy định là 2.393 hộ; thuộc diện du canh, du cư để thực hiện chính sách di dân là 410 hộ, hơn 1.700 người là người đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện đưa vào định canh, định cư (ĐCĐC) tập trung và xen ghép. Từ kết quả điều tra, 3 dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có 2 dự án ĐCĐC tập trung và 1 xen ghép, với khối lượng giải phóng mặt bằng 67,5ha; 6km đường giao thông và 6km công trình điện sinh hoạt tới điểm ĐCĐC tập trung; 2 công trình nước tập trung; 6 phòng học mẫu giáo; 2 nhà sinh hoạt thôn bản; hỗ trợ xây dựng nhà ở, đời sống cho nhân dân với mức 7 triệu đồng/hộ và hỗ trợ 7 triệu đồng/hộ để phát triển sản xuất; tổng kinh phí gần 20 tỉ đồng. Riêng dự án di dời dân đến khu ĐCĐC mới xã Ea Lâm và Ea Bar đã hoàn thành trong quý III năm 2010. Người dân đã đến nơi ở mới thông thoáng, sạch đẹp và có cuộc sống ổn định hơn so với nơi ở cũ. Đây là chủ trương, chính sách hợp với lòng dân, đặc biệt là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống du canh, du cư, có nơi ở không ổn định, thiếu đất sản xuất... Điều này đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống, hạn chế tình trạng khai hoang phát rừng làm nương rẫy trái phép, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

 

DỰ ÁN EA LÂM CHẬM PHÁT HUY HIỆU QUẢ

 

Nhiều chương trình, dự án 134, 135 ở huyện Sông Hinh phát huy hiệu quả tốt, được nhân dân hưởng ứng, tạo niềm tin vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, một số dự án không đảm bảo tiến độ theo kế hoạch hay chạy theo khối lượng, tiến độ giải ngân… mà không đảm bảo đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, dẫn đến hiệu quả mang lại không cao, thậm chí gây phiền hà, bất bình trong nhân dân, trong đó có chương trình ĐCĐC.

 

Điển hình là dự án ĐCĐC tập trung xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh). Dự án được triển khai từ năm 2008, dự kiến hoàn thành trong năm 2010, nhằm tạo điều kiện cho 100 hộ, 400 người là người đồng bào dân tộc thiểu số ở buôn Bưng A, buôn Bưng B và buôn Bai có nơi ở ổn định, có điều kiện phát triển sản xuất, từng bước xóa đói, giảm nghèo, góp phần bảo vệ rừng và môi trường sinh thái… Dự án này có tổng mức đầu tư 5,626 tỉ đồng, trong đó kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 575 triệu đồng, kéo điện 700 triệu đồng. Tháng 12/2009 huyện Sông Hinh mới hoàn thành các thủ tục để triển khai dự án, nên giá bồi thường giải phóng mặt bằng đã tăng lên hơn 1 tỉ đồng, công trình điện tăng 1,4 tỉ đồng. Ông Ksor Y Tin, Trưởng Ban quản lý dự án chương trình 134, 135 giai đoạn II cho biết: “Do vướng mắc trong thu hồi đất, chọn vị trí và thỏa thuận giá đền bù với người dân dẫn đến chậm tiến độ, kéo theo là giá đất, vật liệu điện thay đổi theo chiều hướng tăng”.

 

Từ tháng 8/2010, bà con buôn Bưng A, buôn Bưng B và buôn Bai đã chuyển đến nơi ở mới, nhà cửa đẹp hơn, giao thông nội vùng thông thoáng hơn. Song đã hơn hai tháng trôi qua, bà con vẫn phải đi hàng cây số để lấy nước từ buôn cũ về sử dụng, công trình điện sừng sững trước nhà nhưng vẫn chưa sử dụng được, con đường chính vào buôn mới bị đào lên rồi bỏ hoang cả tháng nay, phải đi đường vòng mới vào được nhà. Ma Khoái ở khu tái định cư Ea Lâm phàn nàn: “Nước và điện không có, sinh hoạt của chúng tôi nhiều bất lợi. Khổ nhất là bọn trẻ học bài dưới ánh đèn tù mù, đường sá đi lại khó khăn…”.

 

Theo Ban quản lý dự án chương trình 134, 135 huyện Sông Hinh, hệ thống cấp nước sinh hoạt đang nâng cấp, xây dựng để cho bà con sử dụng. Đoạn đường chính vào khu tái định cư do đang thi công cống thoát nước gặp thời tiết có mưa nên phải tạm dừng, điện thắp sáng chuẩn bị tiến hành nghiệm thu. Dự kiến hoàn thành tất cả các hạng mục vào cuối năm 2010.

 

 

Theo UBND huyện Sông Hinh, từ năm 2006 - 2010, tổng vốn hỗ trợ theo quyết định của Chính phủ là 446 triệu đồng đã hỗ trợ di dân cho 223 hộ của 3 xã Ea Bia, Ea Bá, Ea Lâm và thị trấn Hai Riêng có nơi ở ổn định cuộc sống, với mức hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng. Đối với dự án ĐCĐC theo quyết định của Chính phủ về chính sách hỗ trợ di dân định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay đang trong giai đoạn triển khai thực hiện đến năm 2012

 

PHƯƠNG NAM – ANH NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek